Bằng cách nào để doanh nghiệp vừa tăng lợi nhuận, vừa góp phần bảo vệ môi trường, và cả hai quá trình đều diễn ra một cách bền vững? Schneider Electric, tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa, đưa ra giải pháp EcoStruxure Automation Expert.
Trong bối cảnh Trái đất ngày một nóng lên và biến đổi khí hậu đang dần rõ nét, từ khóa "phát triển bền vững" nhanh chóng hiện diện ở mọi ngóc ngách của nền công nghiệp. Nhưng với hàng loạt chi phí tăng lên, việc theo đuổi cam kết giảm phát thải đang gặp nhiều thách thức. Liệu đây có phải là thời điểm hợp lý để các doanh nghiệp đổi mới?
Lắng nghe xu thế
Trên khắp thế giới, tiêu chí "bền vững" và "khử carbon" không còn xa lạ với các doanh nghiệp - những người giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đẩy lùi khủng hoảng khí hậu. Hơn một phần ba (34%) các công ty lớn nhất thế giới hiện đang cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero), theo báo cáo của Accenture. Tính đến tháng 3 năm nay, sáng kiến Science Based Targets của Liên Hiệp Quốc ghi nhận hơn 2.400 công ty, chiếm hơn 35% vốn hóa thị trường toàn cầu, đã đặt ra các mục tiêu giảm carbon dựa trên cơ sở khoa học.
Tại Việt Nam - một trong các quốc gia dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, nhằm đạt Net Zero vào năm 2050. Cùng lúc đó, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang thúc giục các doanh nghiệp trong nước đổi mới. Công nghệ lạc hậu, quy trình lãng phí và chi phí vận hành đắt đỏ là những vấn đề đang kìm hãm các công ty tối đa hóa lợi nhuận, huống chi là chuyện tăng trưởng xanh.
Nếu được nhìn nhận một cách lạc quan và sâu sắc, cả ba thách thức kể trên: giảm phát thải, đổi mới công nghệ và phát triển bền vững không hề cạnh tranh nhau, mà có thể hợp lực tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, chủ động hơn và trách nhiệm hơn.
Theo báo cáo của Schneider Electric Sustainability Research Institute, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 40% lượng CO2 trên toàn cầu, và việc sử dụng năng lượng chịu trách nhiệm cho tận 73% lượng khí nhà kính. Vì vậy, để tạo ra tác động đáng kể, chúng ta cần các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Các nỗ lực như cắt giảm số chuyến bay, tắt đèn trong một giờ, tiết kiệm điện nước… hẳn là có tác dụng, nhưng sẽ là những bước đi nhỏ và rời rạc để đi đến phát thải ròng bằng 0. Phong trào "giảm phát triển" (degrowth) là ảo tưởng, Bill Gates từng nói trên báo Bloomberg. Lời giải, theo vị tỷ phú này, là tạo ra các giải pháp công nghệ thay thế tốt hơn.
Làm chủ nền công nghiệp tương lai
Trong hội nghị Innovation Day 2023 với chủ đề "Dẫn Lối Phát Triển Công Nghiệp Bền Vững tại Việt Nam" tổ chức vào 14/4 vừa qua, Schneider Electric đã giới thiệu loạt giải pháp số hóa tổng thể, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững và tăng trưởng lợi nhuận.
Schneider Electric kêu gọi các ngành công nghiệp phải tiên phong áp dụng toàn diện những giải pháp số hóa để tối ưu hoá lợi nhuận kinh doanh đồng thời thực hiện mục tiêu bền vững, ứng phó các thách thức thời đại như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng.
Với khả năng quản lý toàn bộ vòng đời của hệ thống tự động hóa công nghiệp, giải pháp EcoStruxure Automation Expert là nơi hội tụ của "số hóa" và "tự động hóa" - hai trụ cột của Công nghiệp 4.0. EcoStruxure Automation Expert số hóa quy trình sản xuất, cho phép doanh nghiệp mở rộng quy mô nhanh chóng và linh hoạt, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh. EcoStruxure Automation Expert còn sở hữu nền tảng kết nối mở, từ đó cung cấp các dữ liệu theo thời gian thực tại máy hoặc tại dây chuyền, nên đảm bảo công suất tối ưu và giảm hao phí năng lượng trong nhà máy.
Giải pháp EcoStruxure Automation Expert có thể hoạt động trên bất kỳ máy tính công nghiệp iPCs dù chạy hệ điều hành Windows hoặc Linux, hay bất kể thương hiệu nào.
Hơn hết, độ mở cao của EcoStruxure Automation Expert cho khả năng tích hợp chưa từng có với bên thứ ba, việc chuyển đổi ứng dụng hiện có sang một nền tảng phần cứng mới trở nên thật dễ dàng. Nói cách khác, giải pháp này linh hoạt trong phần cứng và chuẩn hóa trong phần mềm. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng chưa ổn định như hiện nay, doanh nghiệp sử dụng EcoStruxure Automation Expert sẽ chủ động hơn trong việc nâng cấp mở rộng hệ thống sản xuất.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia cho biết: "Việc giảm phụ thuộc vào phần cứng là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời giảm lượng rác thải công nghiệp ra môi trường".
Saint-Gobain là một trong những nhà cung cấp vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới, phục vụ các khách hàng lớn như NASA và SpaceX. Với giải pháp của Schneider Electric, doanh nghiệp này đã kết nối hệ thống năng lượng và hệ thống sản xuất của nhiều nhà máy khắp Bắc Mỹ, giảm chi phí điện - nước và nâng cao hiệu suất lên đến 14%. Gói giải pháp còn bao gồm các phần mềm phân tích dữ liệu để điều tiết việc sử dụng năng lượng trong ngày.
Những doanh nghiệp thức thời như Saint-Gobain đang vừa tăng tốc phát triển, vừa dịch chuyển về hướng có lợi cho môi trường, bằng cách sử dụng tài nguyên tiết kiệm và tối ưu. Schneider Electric kỳ vọng ứng dụng EcoStruxure Automation Expert sẽ trở thành nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, với các đặc tính: Hiệu quả, Tiết kiệm Năng lượng, và Bền vững.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như CTCP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Công ty Năng lượng Môi trường Biển Đông, tập đoàn Polyco (trong lĩnh vực F&B, nước giải khát, dược), tập đoàn đa ngành Hawee,… cũng đang chủ động làm chủ giải pháp. Họ là những Green Heroes For Life, danh hiệu mà Schneider Electric tôn vinh những doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển bền vững.
Bản thân Schneider Electric là công ty bền vững nhất Ngành năng lượng, do tạp chí Corporate Knight bình chọn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 01-2023. Tập đoàn đa quốc gia này cũng cam kết mục tiêu Net Zero và giảm 90% khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình vào năm 2050.