Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhóm cổ phiếu Bluechips dẫn VN-Index đảo chiều tăng gần 12 điểm

(Tổ Quốc) - Dù vẫn rung lắc trong phiên chiều, nhưng sau phiên ATC, VN-Index nhanh chóng "đổi màu" và kết phiên với mức tăng gần 12 điểm.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động với những cú tăng nhanh giảm mạnh. Mở đầu phiên, tâm lý chưa hoàn toàn được "cởi trói" sau phiên thủng mốc 1.000 điểm cộng thêm sự kiện tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây kích hoạt thêm lực bán khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ. 

Lực cầu bắt đáy gia nhập vào cuối phiên sáng khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều. Từ mức giảm gần 24 điểm, thị trường bứt phá khá mạnh mẽ. Dù vẫn rung lắc trong phiên chiều, nhưng sau phiên ATC, VN-Index nhanh chóng "đổi màu" và kết phiên với mức tăng gần 12 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đóng góp lớn nhất đà tăng của VN-Index trong phiên hôm nay.  Nhiều cổ phiếu trụ bứt phá mạnh mẽ như CTG tăng hết biên độ, MBB (5,1%), ACB (4,6%), BVH (4,4%). Về cổ phiếu dẫn dắt cho đà tăng của thị trường, VCB vẫn là "ngôi sao sáng" đóng góp 2,2 điểm cho chỉ số trong phiên hôm nay. Hàng loạt mã khác cũng đóng góp lớn cho đà tăng của thị trường như CTG, BID, SAB, VNM, HPG. Chiều ngược lại, GVR, PLX, VIC, VGC là những đại diện kém tích cực trong phiên hôm nay.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ cho thị trường với nhiều mã tăng hết biên độ như LPB, CTG, SHB. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng trên 3% như EIB, MBB, ACB, BID.

Cổ phiếu ngành chứng khoán lại có một phiên phân hoá khá mạnh mẽ. Chiều tăng điểm, HCM, BVS, SHS "chiếm sóng" với mức tăng xấp xỉ trên 3%.  Ngược lại, hàng loạt cổ phiếu như VND, APG, TVB, APS lại kém sáng khi đồng loạt nằm sàn la liệt. Riêng VND phiên hôm nay bùng nổ thanh khoản với hơn 65 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thép cũng có sự phân hoá mạnh trong phiên hôm nay. Trong khi HSG tăng hết biên độ, HPG, NKG cũng tăng trên 3% thì SMC lại bị bán giá sàn khi kết quả kinh doanh quý 3/2022 vừa công bố với mức lỗ hơn 200 tỷ đồng.

Diễn biến không mấy tích cực cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu bất động sản khi hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh. Nhiều mã có tính đầu cơ cao như DIG, CEO, PTC, L14,... đồng loạt lao dốc mạnh khi giảm hết biên độ, dư bán sàn chất hàng trăm, hàng triệu đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,55 điểm ( 1,17%) lên 997,7 điểm. HNX-Index giảm 1,48 điểm xuống 208  điểm và UPCoM-Index giảm 0,2 điểm xuống 76,25 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt giá trị 12.607 tỷ đồng.

Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục bán ròng gần 77 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó họ bán ròng 89 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 10 tỷ đồng trên HNX và mua ròng hơn 2 tỷ đồng trên UPCoM.

Giao dịch trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 89 tỷ đồng. Theo đó, VND dẫn đầu về giá trị bán ròng với 124 tỷ đồng. Kế đó, khối ngoại tập trung bán hai mã HPG và SSI với giá trị lần lượt là 63 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Tương tự, dòng vốn nước ngoài cũng rút ròng tại KDH và VNM với giá trị lần lượt là 40 tỷ đồng và 29 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, giao dịch mua chủ yếu tập trung ở MSN với hơn 51 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng DCM (27 tỷ đồng), VCB (52 tỷ đồng)..

Diễn biến khác tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng 10 tỷ đồng. Trong đó, tập trung mua tại PVS với hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVI và IDC cũng được mua ròng với giá trị lần lượt là gần 4 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Diễn biến tại UPCoM, dòng tiền khối ngoại mua ròng 2 tỷ đồng trong phiên hôm nay, tập trung mua ròng QNS (2,3 tỷ đồng), ACV (1,1 tỷ đồng), MCH (0,9 tỷ đồng)..

Hạ Anh

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới