(Tổ Quốc) - Sau 33 năm xây dựng, trưởng thành và ba năm tái cấu trúc, Vinaconex (HOSE – VCG) mang trên mình diện mạo mới, năng động, sáng tạo và nhiều hoài bão.
Bên cạnh mảng xây lắp đã có truyền thống và kinh nghiệm lâu đời, Vinaconex dường như đang tiến sâu hơn vào sân chơi tốn kém nhưng tỷ suất lợi nhuận cao là bất động sản.
Vinaconex đang sở hữu những dự án bất động sản nào?
Đã từng được biết đến là chủ đầu tư của khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, một trong những khu đô thị đồng bộ, kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô Hà Nội, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về loại hình nhà chung cư, Vinaconex có tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển dự án bất động sản quy mô lớn và tổng thể.
Có danh mục bất động sản đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường, Vinaconex cho biết đã tích lũy được hơn 2.000 ha đất, và đặt mục tiêu nâng lên 5.000 ha quỹ đất vào năm 2025.
Năm 2020 khi đại dịch Covid bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều doanh nghiệp co cụm, Vinaconex đã ngược sóng khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tham gia đấu giá thành công tại các dự án thuộc các địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên… nhằm gia tăng quỹ đất hiện hữu theo đúng chiến lược đã đề ra.
Dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kép dài tại Phường Hải Hòa - TP Móng Cái đang được triển khai đúng tiến độ
Với dự án trọng điểm Cát Bà – Amatina, Hải Phòng, Vinaconex chủ trương triển khai xây dựng dự án trở thành Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa nhằm khai thác các tiềm năng du lịch của đảo Cát Bà, xứng tầm là một trong những kỳ quan thiên nhiên của cả nước và khu vực.Hiện nay, dự án đang dần hoàn thiện một số phân khu thấp tầng và dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận vào năm 2022.
Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond số 93 Láng Hạ (Hà Nội) cũng đã cất nóc đúng tiến độ vào cuối tháng 5/2021 và đang chuẩn bị mở bán đem lại doanh thu lợi nhuận.
Một số dự án bất động sản tiêu biểu khác Vinaconex hiện đang triển khai như Khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài (Quảng Ninh), Khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Khu đô thị mới Thiên Ân (Đà Nẵng).. Tháng 6/2021, Vinaconex cũng được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội…
Ngoài BĐS dân dụng, BĐS nghỉ dưỡng, Vinaconex còn đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp (tiêu biểu như Khu công nghiệp công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc), các dự án năng lượng (Thủy điện Ngòi Phát - Lào Cai; Thủy điện Đakba - Quảng Ngãi)…
Mảng bất động sản công nghiệp thực ra không quá mới mẻ với Vinaconex. Khu công nghiệp công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội do Tổng công ty làm chủ đầu tư phát triển hạ tầng đã có hoạt động ổn định trong suốt thời gian qua với khoảng 10 nhà đầu tư. Mới đây, TCT tiếp tục chào đón Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T làm nhà đầu tư chiến lược. Theo nghiên cứu của Savills, BĐS khu công nghiệp đang là một điểm sáng trong năm 2021 nhờ ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền trong thời gian tới".
"Trong các hoạt động đầu tư, Vinaconex luôn chủ trương phát triển các dự án lớn. Bên cạnh vị thế là một doanh nghiệp xây lắp hàng đầu, ban lãnh đạo sẽ phấn đấu đưa Vinaconex trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ được thể hiện qua mức vốn hóa trên thị trường, đem lại lợi ích cho các cổ đông", ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch VCG từng khẳng định và cho biết thêm Tổng công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiến hành các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS và bất kỳ lĩnh vực nào có tiềm năng tăng trưởng.
Dấu ấn tái cấu trúc
Vinaconex tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988, đổi tên thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam vào năm 1995. Là Tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, năm 2006, Vinaconex hoàn thành cổ phần hóa.
Năm 2008, VCG chính thức niêm yết giao dịch trên sàn HNX và là một trong số các đơn vị có vốn hoá lớn, tác động đáng kể đến sàn này.
Tháng 11/2018, VCG chuyển sang hoạt động theo mô hình không còn vốn Nhà nước, đồng thời xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Theo đó, động thái niêm yết cổ phiếu VCG trên HoSE vào ngày 29/12/2020 cho thấy nỗ lực minh bạch hoá, tăng nhận diện thương hiệu, gia tăng tiềm lực tài chính, đem lại lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp.
Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa, Phú Yên do Vinaconex làm chủ đầu tư
3 năm tái cấu trúc không phải là quãng thời gian quá dài nhưng đủ để thấy được tầm nhìn và khát vọng của Ban lãnh đạo và người lao động của Vinaconex. Giai đoạn 2020 - 2025 , Vinaconex đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15 – 25%/năm, tỷ lệ cổ tức duy trì 12 – 20%. Dự kiến năm 2025, đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng, trở thành TOP 3 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam và Top 10 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Trong những năm qua, Vinaconex liên tục cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận. Đáng chú ý, năm 2020, tổng công ty lãi sau thuế hợp nhất 1.690 tỷ đồng, cao nhất lịch sử và vượt năm 2017 – năm trước thời điểm Nhà nước tiến hành thoái vốn.
Kết thúc quý II/2021, Vinaconex là doanh nghiệp có tổng tài sản trên 30.100 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cuối năm 2020
Ánh Dương