(Tổ Quốc) - Sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư đất là lựa chọn mạo hiểm của không ít những nhà đầu tư F0. Thế nhưng, công thức lãi suất ngân hàng thấp biên độ lợi nhuận của lô đất không đúng với tất cả các trường hợp, nhất là khi người mua trong tình trạng "tay không bắt giặc".
Lê Hương, 29 tuổi, hiện đang là nhân viên truyền thông cho công ty công nghệ thông tin. Gần 10 năm kinh nghiệm ra trường, với vị trí trưởng nhóm, mức lương của Hương hiện tại là 18 triệu đồng. Thừa nhận dù ra trường đã lâu, sở hữu mức lương không hề thấp nhưng khoản tiết kiệm của Hương chỉ tính bằng 8 con số.
Những năm gần đây, Hương trở nên sốt ruột khi những người bạn cùng trang lứa đã mua được nhà, ô tô. Bí quyết của họ chính là rót tiền vào chứng khoán hay bất động sản. Hương kể, có những người bạn của cô bỏ hẳn vị trí tốt trong ngân hàng chỉ để đi đầu tư đất. Đúng 1 năm sau gặp lại, Hương bất ngờ vì người bạn đó khoe tổng tài sản lên tới 3 tỷ đồng. Hương đã tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Giả định mức lương không đổi, đến bao giờ mới có thể sở hữu tiền tỷ trong tay". Có người bạn mua hẳn ô tô vài trăm triệu, nhờ khoản lời trong chứng khoán chỉ trong nửa năm.
Ngay cả đồng nghiệp của cô, trong những giờ giải lao, họ chỉ kể về hôm nay đánh mã nào, thị trường xanh hay tím và câu chuyện xoay quanh giá đất lên ở đâu, chốt lời như thế nào.
"Phải làm giàu! Muốn giàu thì chỉ có đầu tư! Phi thương bất phú", đó là những điều mà Hương rút ra từ chính câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp mà cô chứng kiến. Sau khoảng thời gian tìm hiểu, nghe chia sẻ, tư vấn từ rất nhiều người, Hương chọn bất động sản. Cô cũng "cày nát" những chia sẻ từ tấm gương làm giàu từ đất.
Hương vạch ra bài toán để đầu tư đất. Cô xác định sẽ bỏ tiền vào một lô đất vùng ven ở Hà Nội. Với mức lương 18 triệu đồng, Hương cho rằng, cô đủ khả năng vay tiền ngân hàng và trả lãi mỗi tháng. Bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính, Hương tin, bản thân sẽ có động lực làm việc chăm chỉ và tiết kiệm. Sau 1-2 năm, nếu lô đất bán tăng 50-100% giá trị, Hương đã có thể kiếm vài trăm triệu.
Tháng 8/2020, Hương mạnh tay mua một lô đất 60m2 tại Thạch Thất, Hà Nội với mức giá 850 triệu. Vốn tự có 90 triệu đồng, Hương vay thêm người thân 210 triệu đồng và số còn lại đến từ ngân hàng. 550 triệu đồng tiền vay ngân hàng chỉ được vay trong vòng 5 năm. Mỗi tháng Hương phải trả khoảng 11 triệu đồng tiền gốc, lãi với mức lãi suất 6,3%.
"Tôi dự tính toàn bộ lương có được sẽ dành trả nợ tiền mua đất, gồm vay ngân hàng và người thân. Tiền kiếm thêm ngoài sẽ dùng chi trả tiền sinh hoạt hàng ngày", Hương cho hay.
Hương nghĩ, trong vòng 1 năm, giá lô đất này chắc chắn sẽ lên 50%. Trừ đi tiền lãi ngân hàng, cô hoàn toàn có lời.
Song, mọi dự tính của Hương đều chệch khỏi quỹ đạo. Hơn 1 năm trôi qua, Hương vẫn không thể thanh khoản được lô đất. Điều đáng nói, giá trị lô đất của Hương còn bị sụt giảm so với số tiền mà Hương bỏ ra.
"Cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Áp lực nợ lãi mỗi ngày khiến tôi trở nên cáu giận, không thể tập trung làm việc. Tôi sống tằn tiện đến nỗi cảm giác mất đi sự tự tin. Cũng vì thế mà công việc của tôi không thể làm tốt. Tôi sút cân và hom hem do suy nghĩ quá nhiều. Tôi mới nhận ra bài học cho chính mình: Phải tự lượng sức. Nếu vốn mỏng như tôi, cảm giác lúc nào cũng sẽ nôn nóng bán và đẩy đi do áp lực nợ lãi. Thế nên, tôi buộc phải bán cắt lỗ vì nghĩ không thể tiếp tục chịu được áp lực", Hương cho biết.
Câu chuyện của Hương không phải là hiếm gặp. Theo các chuyên gia, việc sử dụng đòn bẩy tài chính rất phải cẩn trọng. Vì không phải lúc nào bạn cũng có thể lướt sóng thành công. Thế nên, bạn phải có dự phòng. Nếu như trường hợp không thoát được hàng, bạn cần có nguồn tài chính ổn định để trả nợ, lãi ngân hàng. Thông thường, tâm lý đi vay tiền đầu tư bất động sản dễ nôn nóng, khó đợi chờ, nên dễ rơi vào tình cảnh bán vội, bán non, không thu được mức lợi nhuận như ý hoặc phải chấp nhận cắt lỗ.
Triệu Vương