CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng USD với các điều khoản hợp lý từ việc hoán đổi tiền tệ.
Sáng ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ở mức 24.266 VND/USD- giảm 5 đồng so với cuối ngày 10/5. Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD.
Tương đồng với mức giảm của tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD trong nước cũng giảm tại các NHTM. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 25.149 và mức bán ra là 25.479 – giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào, bán ra so với phiên giao dịch ngày 10/5.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tăng nhẹ cả 2 chiều mua - bán so với phiên trước đó. Tại thị trường Hà Nội, lúc 5 giờ 15 phút, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25,755 - 25,825 VND/USD tăng 25 VND ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với phiên giao dịch ngày 10/5.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 4,8%. Tại cuộc họp báo của NHNN ngày 19/4, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nêu một số lý do chính khiến cho tỷ giá tăng lên.
Thứ nhất, chỉ số đồng USD (DXY) đã tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Và thứ 3, chính sách giảm lãi suất trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, khiến lãi suất VND ở mức âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, cũng tạo áp lực đến tỷ giá.
Theo một báo cáo phân tích gần đây của CTCK BSC, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng rủi ro tăng vẫn còn vì DXY Index đang ở mức cao trước quan điểm "diều hâu" từ FED. Các biện pháp bình ổn của NHNN sẽ làm giảm tâm lý găm ngoại tệ để đầu cơ, dù vậy thị trường ngoại hối vẫn cần thêm thời gian để ổn định và đánh giá lại đầy đủ tác động chính sách.
Sự tăng lên của tỷ giá VND/USD ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm mua – bán hàng hóa và vay nợ bằng đồng USD, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng quản trị và phòng ngừa tỷ giá để đảm bảo kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của mình.
CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng USD với các điều khoản hợp lý từ việc hoán đổi tiền tệ.
Cụ thể, 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 đồng và lãi suất cố định 8,93%. Sử dụng hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với giao dịch hối đoái (FX) kỳ hạn, 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 ‘chốt’ với tỷ giá hối đoái là 24.005, đồng thời 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong kỳ hạn 5 năm với tỷ giá hối đoái của 1 năm (1-year FX) ở mức 23.790, giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất.
"Việc đồng USD tăng giá gần đây không gây tác động trọng yếu đến lợi nhuận của Công ty" – Đại diện Masan Group cho biết.
Kết thúc quý 1/2024, Masan Group ghi nhận doanh thu thuần 18.855 tỷ đồng – tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế tăng gần 9% nhờ cải thiện tỷ lệ biên lợi nhuận gộp và tăng lợi nhuận từ công ty liên kết. Lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong quý là 72 tỷ đồng, bù đắp được cho khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 79 tỷ đồng.
Là tập đoàn tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với nền tảng vững chắc trong kinh doanh cốt lõi và chỉ số tài chính lành mạnh, Masan Group không quá khó khăn để huy động các nguồn vốn quốc tế. Tập đoàn này đã nhận những khoản cho vay hợp vốn trị giá hàng trăm triệu USD cũng như phát hành trái phiếu quốc tế. Với kết quả kinh doanh ngày càng khả quan trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, Masan Group không chỉ có khả năng tiếp cận vốn mạnh mẽ mà còn đạt được những điều khoản tín dụng có lợi, duy trì tỷ lệ đòn bẩy bền vững và vị thế thanh khoản.
Tuy nhiên, do huy động vốn bằng đồng USD, Masan Group luôn chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.
Tính từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), Masan Group đã huy động được gần 4,75 tỷ USD nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào các dự án chiến lược giúp tăng trưởng Công ty.