(Tổ Quốc) - Theo các đơn vị nghiên cứu, áp lực về giá và khách thuê là những khó khăn đặt ra cho thị trường nhà phố cho thuê tại Tp.HCM từ nay đến cuối năm.
Hiện nay, dọc các tuyến đường tại trung tâm Sài Gòn vẫn còn bắt gặp khá nhiều hình ảnh nhà phố ch o thuê đóng cửa im lìm hoặc dán biển chào thuê nhưng suốt thời gian dài không có khách thuê. Dường như dịch Covid-19 đã tàn phá phân khúc này nặng nề hơn cả.
Đáng nói, đã có những căn nhà phố tại trung tâm, chủ nhà thương lượng giảm giá thuê từ 10-30% nhưng cũng không dễ tìm khách thuê. Điều này trước đến nay chưa từng xảy ra.
Có lẽ chưa bao giờ mặt tiền nhiều căn nhà phố san sát nhau tại trung tâm quận 1, quận 3 từ Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi….lại nhiều căn đóng cửa im lìm như hiện nay. Thay vào cảnh buôn bán tấp nập thì là hàng loạt biển cho thuê mặt bằng được treo lên. Trong đó có những biển cho thuê từ đợt dịch đầu tiên vẫn chưa được "hạ xuống".
Nguyên nhân là nhiều công ty, tiểu thương rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn do dịch gây ra nên việc đóng cửa, trả lại mặt bằng không chỉ diễn ra trong đợt dịch lần 1 mà tiếp tục diễn ra mạnh ở dịch đợt 2. Nếu việc giảm giá được thương lượng ở dịch đợt 1 thì đến đợt 2 nhiều nhà phố đã chấp nhận giảm giá thuê để có khách. Nhưng dường như phương án giảm giá chưa mấy khả quan khi mà tình hình kinh doanh của nhiều người, công ty vẫn chưa hồi phục hẳn.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận cho thuê Savills Tp.HCM, hiện nay một số nhà phố cho thuê đang quay lại với giá thuê trước dịch do chủ nhà có niềm tin khách thuê đang tìm thuê. Chính vì cái tự tin này mà chủ nhà khó tìm được khách thuê.
Về việc giảm giá, theo bà Trang, những căn nhà phố lâu ngày không thể cho thuê được đã có sự giảm giá. Từ đây đến cuối năm nhà phố vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, chủ nhà nương vào thị trường, khách thuê sẽ tiếp tục đàm phán về giá thuê.
Cũng theo bà Trang, giữa nhà phố trung tâm và mặt bằng cho thuê tại TTTM thì nhà phố sẽ khó được chuộng hơn. Bởi TTTM có lợi thế là dòng khách hàng sẵn của trung tâm, trong khi nhà phố thì mất nhiều thời gian để tìm khách hàng hơn. Hiện nay, các chuỗi cửa hàng tiện ích cũng đang tận dụng thời điểm dịch bệnh này để đàm phán với chủ nhà thuê được mức giá tốt nhất để mở rộng chuỗi cửa hàng của mình cũng là tình trạng dễ nhận thấy trên thị trường cho thuê hiện nay.
"Tuy có những tuyến bay quốc tế mở ra, nhiều công ty quyết định mở thương hiệu nhưng họ còn phải đi lại thực tế, thâm nhập thị trường nên nhìn chung nhà phố cho thuê sẽ còn gặp khó khăn từ nay đến cuối năm", bà Trang khẳng định.
Theo dự báo của Savills, nửa cuối năm 2020, hơn 96.000m2 diện tích bán lẻ sẽ gia nhập thị trường, trong đó, khu ngoài trung tâm chiếm 84% thị phần. Hầu hết các dự án ngoài trung tâm là các khối đế bán lẻ phục vụ chủ yếu nhu cầu của dân cư nội khu. Với lưu vực bán lẻ thấp chủ mặt bằng khó có thể tìm được khách thuê lâu dài. Xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu trung tâm có thể dẫn đến giá thuê giảm dần.
Nhờ dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả cũng như triển vọng tích cực về kinh tế, niềm tin của chủ mặt bằng, đặc biệt ở khu trung tâm ngày càng được củng cố.
Trước đó, nhằm hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê đến 30% vào tháng 4 và tháng 5.
Khi lưu lượng khách mua sắm phục hồi kể từ tháng 6, các trung tâm bán lẻ ngoài trung tâm đã đề xuất giảm giá thuê đến 15% hoặc giảm phí dịch vụ đến 2USD/m2/tháng để hỗ trợ khách thuê. Chủ đầu tư ở khu trung tâm có ít chương trình hỗ trợ hơn do có nhiều khách thuê dài hạn.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ Tp.HCM trở lại đà tăng trưởng theo tháng ở mức 20% vào tháng 5 và 5% vào tháng 6.
Cũng theo Savills, đại dịch thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh các cửa hàng bán lẻ truyền thống buộc phải thay đổi chiến lược trong giai đoạn giãn cách xã hội. Các nhà bán lẻ bắt đầu sử dụng công nghệ để tăng doanh thu và cải thiện dịch vụ.
Hạ Vy