(Tổ Quốc) - Giới đầu tư đang không hiểu chuyện gì xảy ra khi hàng loạt cổ phiếu không phân biệt cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu sản xuất kinh doanh tốt, tăng trưởng, cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu rác...đều đồng loạt "sụp đổ" chiều thứ 2, sàn la liệt. Vốn hoá của HOSE đã bốc hơi 270.000 tỷ trong phiên, tương ứng 11,7 tỷ USD.
Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 1/2021. Trong phiên, có lúc VN-Index rớt gần 80 điểm thủng mốc 1.300 điểm - mức giảm kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, xét theo giá trị tuyệt đối. Thị trường "rực lửa" với hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm sàn như nhóm cảng biển, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thuỷ sản, phân bón, ngân hàng và một số cổ phiếu trụ và bluechip như FPT, PNJ, SAB, BVH, GVR, VJC…
Cuối phiên, VN-Index nỗ lực hồi phục nhưng dòng tiền không ủng hộ, lực cầu mất hút. May thay, phiên ATC, VHM hồi mạnh từ mức giảm sát sàn về mức -2,6% khiến cho VN-Index "rút chân" nhẹ xuống còn giảm 68 điểm, tức gần 5%. Trong khi VN30 giảm gần 78 điểm, tức 5,4%.
"Tội đồ" của phiên giao dịch ngày 25/4 đó là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Nhóm này giảm sâu ngay từ đầu phiên kéo theo VN-Index sụt giảm mạnh. Loạt các cổ phiếu trụ, bluechip giảm sàn như TCB, VPB, SAB, VCI, SSI, CTG, GAS, HPG, MWG, STB, PLX… Cả VN30 không có một cổ phiếu nào xanh.
Loạt cổ phiếu VN30 giảm sàn phiên 25/4 dù thanh khoản không quá lớn
Điều khác biệt của phiên giao dịch này đó chính là ở khía cạnh thanh khoản. Dường như, lực cầu rất heo hút khiến thanh khoản rất nhỏ chỉ 21.900 tỷ dù VN-Index có lúc giảm tới gần 80 điểm.
Khác biệt với các phiên giảm mạnh trong quá khứ, khi thị trường giảm sâu về điểm số lực bắt đáy sẽ ùa vào đẩy thanh khoản lên cao tầm 35.000-40.000 tỷ đồng nhưng phiên 25/4, điểm số giảm mạnh nhưng thanh khoản lại mất hút.
Việc thanh khoản mất hút trong phiên giảm điểm sâu của thị trường có thể xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư.
Thứ nhất, tâm lý nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dài 30/4-1/5 (nghỉ 4 ngày) thường rất yếu, không muốn mua bán cổ phiếu vì lo ngại rủi ro biến động của chứng khoán trong kỳ nghỉ. Thêm vào đó, chứng khoán trải qua đợt sụt giảm rất sâu đã khiến nhà đầu tư sợ không dám xuống tiền. Đặc biệt, lực cầu trở nên rất yếu kể từ sau một số vụ việc sai phạm trong chứng khoán, trái phiếu bị xử lý gần đây. Tin đồn vẫn bủa vậy thị trường.
Thứ hai, phiên 25/4 là phiên giảm điểm kỷ lục nhưng thanh khoản nhỏ, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechip. Theo một số nhà đầu tư cầm cổ phiếu VN-Index đã sụt giảm hơn 214 điểm từ đỉnh, mức điều chỉnh tương ứng rơi gần 15% từ đỉnh. Nhiều cổ phiếu đã rớt giá 20-50% chỉ trong 2 tuần nên đã giữ cổ phiếu đến hôm nay họ quyết không bán ra cổ phiếu nữa dù giá giảm sâu. Đó là lý do VN-Index rớt sâu về điểm số nhưng thanh khoản nhỏ.
Ngoài ra, chứng khoán thế giới biến động mạnh trong cuối tuần qua do lo lắng kết quả cuộc họp tới đây của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) cũng tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Không thể phủ nhận rằng thời kỳ tiền rẻ đã và đang dần qua đi, dù Việt Nam có độ trễ tầm 3-6 tháng so với thế giới nhưng áp lực gia tăng lãi suất đã hiện hữu.
Tuy nhiên, đây đều là những điều nhà đầu tư đã lường trước, không quá bất ngờ với giới đầu tư. Do đó, đà giảm bất ngờ của phiên 25/4 khiến mọi dự báo của các công ty chứng khoán, giới chuyên gia rơi vào "việt vị". Diễn biến quá bất thường này tuy chưa thể lý giải nguyên nhân nhưng có với nhà đầu tư mức thua lỗ ngày càng nặng thêm là thật.
Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư than trời, trách mình, trách thị trường, xin rút khỏi chứng khoán bởi thị trường quá khốc liệt.
"Cả cổ phiếu rác lẫn cổ phiếu sản xuất kinh doanh tốt, cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu cơ bản…đều lăn ra sàn hết mà không có một lý do gì quá mới. Thật sự quá khốc liệt, đánh một trận sạch sẽ, sạch tài khoản của nhà đầu tư rồi", một nhà đầu tư chia sẻ trên group chứng khoán sau phiên 25/4.
Tính từ đỉnh đầu tháng 4, HOSE đã bị bốc hơi 839.000 tỷ vốn hoá, tương ứng 36 tỷ USD. Riêng phiên giao dịch ngày 25/4, vốn hoá HOSE đã bốc hơi 270.000 tỷ đồng, tương ứng 11,7 tỷ USD.
Anh Minh