(Tổ Quốc) - "Sau khi mất hết tiền tiết kiệm cả đời, tôi không thể nào ăn ngủ được. Tôi hận chính bản thân", một thanh niên tâm sự.
Sự sụp đổ của Luna đã gây ra nỗi đau trên khắp đất nước Hàn Quốc với cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các tổ chức
Các nạn nhân có xuất thân đa dạng, từ người buôn bán nhỏ lẻ đến cả những doanh nghiệp lớn trong nước. Sự sụp đổ đi từ bình thường đến nghiêm trọng, liên quan tới cả sự sống mặc dù nhìn chung khủng hoảng Luna không phải giống sự sụp đổ của Lehman và cũng không có khả năng đe dọa thị trường tiền số hay thị trường mở rộng hơn.
"Tôi đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời chỉ trong 2 ngày", một người giấu tên viết trên Bitman – một cộng đồng blockchain ở Hàn Quốc vào ngày 14/5. "Tôi đã liên tục bán Luna ở giá thấp rồi mua thêm vào rồi lại bán cắt lỗ. Sau khi mất hơn 100 triệu won (khoảng 78.000 USD) – số tiền tích góp trong suốt cả cuộc đời mình, tôi không thể nào ăn ngủ được nữa. Tôi hận chính bản thân mình".
Đồng TerraUSD, hay còn gọi là UST, là đồng stablecoin liên kết với Luna. Khác với những đồng stablecoin neo vào tiền pháp định hay tài sản ổn định như vàng, đồng UST lại dùng thuật toán liên kết với Luna để điều chỉnh tỷ giá sao cho giữ ở mức tiêu chuẩn danh nghĩa 1 USD. Đầu tháng 5, Luna đã mất gần hết giá trị chỉ trong vài ngày còn TerraUSD thì giảm xuống chỉ còn 10 cent.
Một người khác thì nói rằng đã mất 2 tỷ won (1,6 triệu USD) khi đầu tư vào Luna. Anh này thậm chí đang bị điều tra sau khi xuất hiện tại nhà của Kwon Do-hyeong (hay còn được gọi là Do Kwon)– một trong những nhân vật chính đứng sau Terra.
"Kwon nên chính thức xin lỗi và tuyên bố một vài kế hoạch sử dụng bất kỳ biện pháp nào có thể, thậm chí là tiền túi để cứu vãn tình hình. Một vài người quanh tôi thực sự đã phải chết".
Anh này từ chối tiết lộ danh tính.
Các nhà đầu tư tổ chức vào Luna cũng mất nhiều không kém, thậm chí còn ảnh hưởng tới danh tiếng của chính bản thân họ.
TerraForm Labs – công ty Singapore được hình thành vào năm 2018 bởi các nhà sáng lập của Terra đã nhận 150 triệu USD từ các công ty đầu tư gồm cả Arrington Capital, BlockTower Capital và Pantera Capital.
Kakao Ventures cũng đã đầu tư vào một công ty SPAC được thành lập bởi Terraform Labs vào năm 2018. Hiện họ không tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư này.
"Chúng tôi đã lấy lại một vài khoản đầu tư nhưng vẫn còn một lượng quyền sở hữu ở công ty", theo Jeong Ji-yong – một người phát ngôn của Kakao Ventures.
Dunamu – công ty điều hành sàn giao dịch tiền số Upbit đã đầu tư vào Luna thông qua Dunamu & Partners vào năm 2018 nhưng họ đã bán khoản đầu tư này.
Chai Corporation có trụ sở tại Seoul – một startup thanh toán được hình thành vào năm 2018 bởi đồng sáng lập Terraform Labs là Daniel Shin. Ban đầu, Chai được thiết kế để phục vụ như một ứng dụng thanh toán cho Terra.
Tuy nhiên, kế hoạch đã được điều chỉnh khi không đủ nhu cầu thanh toán blockchain, theo người đại diện của Shin.
"Mặc dù Chai theo đuổi hàng loạt sự hợp tác với Terra trong quá khứ nhưng các hợp tác này kết thúc vào năm 2020".
Do Kwon, 30 tuổi - người tạo ra stablecoin TerraUSD từng tốt nghiệp Stanford. Anh đã nói về một số kế hoạch khôi phục Terra sau sự sụp đổ này. Mới nhất, vào ngày thứ 2, anh ta đưa ra đề xuất đưa chuỗi Terra thành một chuỗi mới mà không có stablecoin thuật toán.
"Cơ hội lật ngược tình thế là thấp", theo Kim Hyong-joong – một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc. "Họ đã đánh mất niềm tin và không có vốn để làm sống lại các đồng tiền số khi mọi người sẽ không mua vào nữa".
Tuy nhiên, Kim nói rằng tác động của việc này tới toàn bộ thị trường tiền số sẽ rất nhỏ.
"Một đồng tiền số thất bại bởi nó được thiết kế không phù hợp. Chỉ vì sự cố của Luna không có nghĩa là mọi người mất niềm tin vào tất cả các đồng tiền số khác".
"Terraform Labs đầu tiên nên lấy lại niềm tin trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào. Để làm như vậy, Kwon cần phải giải thích minh bạch lý do sau sự sụp đổ đó và cung cấp kế hoạch thực tế cho các nhà đầu tư vốn đang bị tổn thất nặng", theo Park Sung-jun – CEO của Andus.
Sự sụp đổ của TerraUSD đã làm dấy lên những câu hỏi khẩn thiết về tham vọng của các nhà phát triển nhằm xây dựng một hình thức tài chính mới. Điều này cho thấy rằng bất chấp sự cường điệu, hệ thống tiền số non trẻ vẫn có xu hướng xảy ra các loại hoạt động ngân hàng gây bất ổn trong thế giới phi kỹ thuật số.
Hiện tại, nhiều người còn đang đặt ra câu hỏi liệu Do Kwon có phải siêu lừa giống Elizabeth Holmes hay không.
Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014, được ví như Steve Jobs khi thành lập Theranos nhằm xét nghiệm máu nhanh cho người dân. Thế rồi năm 2021, vị "nữ tỷ phú" này đối mặt bản án 20 năm tù khi Theranos hóa ra chỉ là một "cú lừa".
Theo Morris, cả Holmes lẫn Do Kwon đều mù quáng tin tưởng vào những gì mình đang làm kể cả khi mọi chuyện vỡ lở. Bất chấp Luna đã trở nên gần như vô giá trị nhưng Do Kwon vẫn không chịu thừa nhận sai lầm và vẫn cố gắng tìm kiếm nguồn vốn đổ vào con thuyền đang chìm dần, trong khi cái lỗ này đã được hình thành từ khi dự án Luna bắt đầu.
Rõ ràng, Do Kwon là một người bán tin vào sản phẩm mình chào hàng, kể cả khi nó trở thành cú lừa khiến các nhà đầu tư điêu đứng với hàng tỷ USD bốc hơi. Đây sẽ trở thành một trong những luận điểm bào chữa tại tòa án khi luật sư cố chứng minh Do Kwon không cố tình lừa nhà đầu tư.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Nguồn: KoreajoongangDaily
Phương Linh