Dự đoán đến năm 2030, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ chi hơn 238 tỷ USD/năm đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Trong đó phần mềm, cảm biến cùng hệ thống công nghệ sẽ chiếm khoảng 50% chi phí phương tiện. FPT vừa công bố thành lập 1 công ty để tham gia sâu vào thị trường phần mềm ô tô toàn cầu.
Trưa ngày 13/12, giờ Mỹ (rạng sáng ngày 14/12 giờ Việt Nam) FPT bất ngờ công bố thành lập công ty FPT Automotive – công ty chuyên trong lĩnh vực phần mềm ô tô - trụ sở tại Texas, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
FPT kỳ vọng công ty này sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển dịch của ngành công nghiệp ô tô, mang đến những giá trị mới như tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, mở rộng độ phủ, tăng hiệu quả phát triển sản phẩm cho các hãng xe trên toàn cầu. Từ đó, đạt quy mô doanh số 1 tỷ USD trong mảng này vào năm 2030.
Đây là công ty theo chuyên ngành (domain) đầu tiên FPT thành lập, minh chứng rõ nét hơn cho việc FPT đang đẩy mạnh tập trung hình thành kinh nghiệm, năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng và cơ hội phát triển tốt trong tương lai.
Vậy đâu là lý do FPT quyết định đi sâu vào lĩnh vực phần mềm ô tô?
Tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, năm nay 2023, công ty đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho chị trường nước ngoài và kỳ vọng 5 năm nữa con số này sẽ là 5 tỷ USD.
Theo kết quả kinh doanh, 11 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT tiến sát mốc 1 tỷ USD, đạt 22.075 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ, cao hơn con số tăng trưởng kép (CAGR) của giai đoạn 2018 -2022. Mức tăng trưởng kép doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FPT trong giai đoạn 2018 – 2022 là 22,3%.
Đây là mức tăng trưởng không hề thấp nhưng để đẩy doanh từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài lên cao hơn nữa theo như kỳ vọng của ông Bình, FPT cần có những động cơ tăng trưởng mới.
Với sự dịch chuyển sang xe điện và gia tăng các trải nghiệm cho người dùng trên các dòng xe đời mới, phần mềm đóng vai trò ngày càng trở nên quan trọng hơn phần cứng trong công nghiệp ngành ô tô. Các phương tiện hiện đại ngày nay có thể có gần 100 đơn vị điều khiển điện tử, yêu cầu tới 100 triệu dòng mã. Phần mềm, cùng với cảm biến và các thành phần tương tự, được dự báo sẽ chiếm khoảng 50% chi phí phương tiện vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% của năm 2020.
Báo cáo gần đây của Precedence Research cho thấy quy mô thị trường phần mềm ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 116,62 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,7% trong giai đoạn từ 2023 đến 2032.
Nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đặt mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của bằng cách ứng dụng các hệ thống phần mềm tinh vi trong các lĩnh vực như hệ truyền động, quản lý pin, khả năng tự lái và kết nối. Honda dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng lập trình viên phần mềm lên 10.000 vào năm 2030 nhằm chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kinh doanh dựa trên phần mềm như Tesla. Honda cũng đang hợp tác với Sony trên một mẫu xe điện mới được điều khiển bằng phần mềm. Còn Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, cũng đang mở rộng quy mô nhân sự phần mềm với mục tiêu có 18.000 kỹ sư phần mềm vào năm 2025 nhằm mục đích củng cố hoạt động kinh doanh xe điện và xe tự hành.
Năng lực đã chín muồi
Sân chơi lớn cùng "miếng bánh to" cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh. Nếu không chứng minh được năng lực, FPT khó có thể trụ vững trên sân chơi toàn cầu này.
Xét ở khía cạnh dịch vụ, dù mới thành lập Công ty FPT Automotive, nhưng trong thực tế, FPT cho biết họ đã đầu tư mảng này hơn 10 năm qua và đang cung cấp khá toàn diện các dịch vụ trong mảng phần mềm ô tô, từ công nghệ giải trí, thông tin trong xe, đơn vị điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh, đến thiết kế UI/UX cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số. Bộ giải pháp công nghệ toàn diện MaaZ cho xe hơi của họ đã được công nhận trên toàn cầu thông qua giải thưởng AutoTech Breakthrough Awards - Giải thưởng quốc tế dành riêng cho những sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong ngành công nghệ ô tô được tổ chức hàng năm.
Và trong 10 năm qua, họ đã kịp xây dựng mạng lưới khách hàng "đáng gờm" với 150 doanh nghiệp, trong đó có các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP... Mới đây nhất, Công ty cũng đã đạt được thỏa thuận phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki - Tập đoàn có thị phần hàng đầu trên thế giới về cụm đồng hồ (meter) và màn hình hiển thị trên kính lái (HUD) cho ô tô và xe máy. Nippon Seiki cũng là đối tác của nhiều nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) trên toàn thế giới, đa phần là các công ty trong danh sách Fortune Global 500 trong lĩnh vực ô tô, sản xuất thiết bị đo tốc độ lớn nhất Nhật Bản với lịch sử 70 năm hoạt động.
Còn xét về năng lực cạnh tranh, với lợi thế kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành công nghệ phần mềm ô tô và đội ngũ hơn 4.000 kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực này, FPT có cơ sở tự tin.
Theo công bố gần đây của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Share Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô tô trên toàn cầu, FPT được định vị trong nhóm đối thủ chính (Major Contenders) cùng với nhiều tên tuổi lớn như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA… FPT được điểm số cao ở cả hai tiêu chí đánh giá PEAK Matrix® gồm tác động thị trường và sự hiện diện & năng lực.
Cơ hội đã chín muồi, năng lực cạnh tranh cũng không hề kém cạnh, nhưng "đường dài mới biết ngựa hay". FPT có chắc chắn "ăn được miếng bánh to" của thị trường phần mềm ô tô hay hiện thực hóa được mong muốn "đồng hành cùng với các hãng OEM hàng đầu để thúc đẩy nhanh sự phát triển ngành ô tô - ngành đang được quyết định bởi phần mềm" như ông Bình kỳ vọng trong lễ ra mắt FPT Automotive hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.