(Tổ Quốc) - Công suất cho thuê khách sạn tại TP HCM và Đà Nẵng đều tăng trong quý vừa qua, lần lượt ở mức 1,6% và 10,2% so với quý cuối năm 2021. Tuy nhiên giá thuê phòng ở Đà Nẵng lại có dấu hiệu giảm.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm đạt 91.000 lượt khách, tăng 89% so với năm trước. Theo đại diện Sở du lịch TP HCM, nếu tình hình khả quan từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, TP HCM nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và được xem trung tâm tài chính tại Việt Nam. Một loạt các thương hiệu khách sạn quốc tế và nội địa cao cấp và sang trọng đã có mặt tại thành phố, bao gồm IHG, Accor, Marriott, Hyatt, Reverie, Caravelle, khách sạn Majestic và khách sạn Rex.
Tính đến quý I/2022, tổng nguồn cung khách sạn 3 - 5 sao tại TP HCM là 17.000 phòng. Công suất phòng khách sạn đạt 35,6%, tăng lần lượt 1,6% và 2,1% theo quý và theo năm. Đây là tỷ lệ khả quan trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc.
Giá thuê phòng trung bình đạt 73,6 USD/đêm (tương đương 1,68 triệu đồng), giảm 5,3% theo quý và giảm 4,2% theo năm. Trong ba năm tiếp theo, khoảng 3.800 phòng trên 18 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng - một trong những điểm nghỉ mát nổi tiếng nhất Việt Nam, giá thuê phòng trung bình đạt 70 USD/phòng mỗi đêm (tương đương 1,6 triệu đồng), tăng 3% theo quý và tăng 20% theo năm.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, tính đến quý I, tổng nguồn cung khách sạn 4 - 5 sao tại Đà Nẵng là 11.000 phòng, không thay đổi trong hai năm qua. Trong ba năm tiếp theo, khoảng 4.000 phòng trên 19 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.
Công suất phòng khách sạn đạt 30%, tăng lần lượt 10,2% và 3,2% theo quý và theo năm, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của du lịch nội địa vào dịp Tết Nguyên Đán hồi đầu tháng 2.
Đà Nẵng và Quảng Nam đã tham gia cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong chương trình "Ba địa phương, một điểm đến" để quảng bá các sản phẩm du lịch tự nhiên và di sản văn hoá lịch sử của miền Trung.
"Giống như TP HCM và Hà Nội, những năm gần đây, Đà Nẵng đã có những cải thiện đáng kể về tăng trưởng kinh tế, chủ yếu là do sản xuất công nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng TP Đà Nẵng với danh tiếng về lực lượng lao động có trình độ công nghệ cao sẽ là thung lũng Silicon mới của Việt Nam", các chuyên gia từ Cushman & Wakefield nhận định.
Trong khi đó, với thị trường TP HCM, các sáng kiến du lịch trong thành phố cũng đang thúc đẩy nhu cầu du lịch ngắn và trung hạn. Một sáng kiến quan trọng là đề xuất cải tổ giao thông đường thủy, nhằm tận dụng tiềm năng du lịch kênh rạch và sông ngòi rộng lớn của TP HCM, bao gồm cả chợ nổi trên sông.
Chính quyền thành phố cũng đang mở rộng các loại hình mới như du lịch trang trại và thể thao. Điển hình là đề xuất hợp tác với các khu vực ngoại ô như huyện Cần Giờ và Hóc Môn để thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực.
Các đường bay quốc tế hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đi kèm chương trình "Hộ chiếu vaccine". Quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam, góp phần khuấy động các hoạt động du lịch của quốc gia.
Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước khác cũng sẽ làm thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.
Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong hai quý còn lại.
Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến nước ta để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng như trước.
Theo Khảo Sát Người Mua Toàn Cầu năm 2021, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí, và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống. Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm báo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.
Với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Thanh Phong