Mở cửa du lịch và đường bay, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 gấp 52,3 lần cùng kỳ

(Tổ Quốc) - Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022. Số liệu cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Mặc dù vậy lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đặc biệt là kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành Du lịch nước nhà.

Phát biểu tại Hội nghị “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam” hồi đầu tháng 8, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết 6 vấn đề cơ bản. Cụ thể gồm:

Một là, làm mới sản phẩm du lịch.

Việc phát triển sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển và làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hai là, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch.

Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhiều nhân sự đã rời bỏ thị trường. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch. Hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Sau đại dịch các nước trong khu vực và trên thế giới chuẩn bị sẵn sàng bằng nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút khách du lịch quay trở lại. Du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến hiện nay luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Bốn là, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Năm là, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp, các địa phương tập trung triển khai thật tốt Chiến dịch xúc tiến, quảng bá "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam). Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch, tham gia các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.

Sáu là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên và các chính sách giảm giá vé tham quan, kích cầu du lịch của các địa phương.

Mộc An

Nhipsongkinhte

Tin mới