Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Trong bối cảnh này, mô hình "Tăng cường Năng lực Doanh nghiệp" của Australia là một trong những giải pháp tiềm năng. Các tổ chức Australia thông qua mô hình này có thể cung cấp các chương trình đào tạo được thiết kế riêng phù hợp với nhu cầu cụ thể của thị trường Việt Nam.
Nhu cầu gia tăng về nhân sự chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam dự kiến sẽ vượt quá 30% tổng dân số. Sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn, buộc hệ thống y tế phải thích ứng để cung cấp dịch vụ chăm sóc một cách toàn diện.
Để giải quyết những thách thức và yêu cầu ngày càng đa dạng của người cao tuổi, Việt Nam cần bồi dưỡng lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe có tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Hệ thống Giáo dục và Đào tạo Nghề (VET) của Australia được đánh giá cao trên toàn thế giới, nổi bật với phương pháp tiếp cận toàn diện và hiệu quả trong việc phát triển chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mô hình "Tăng cường Năng lực Doanh nghiệp"
Tháng 7 vừa qua, tọa đàm chuyên đề "Đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao" tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) tổ chức đã đề cập đến mô hình "Tăng cường Năng lực Doanh nghiệp" như một phương pháp tiếp cận đa chiều thông qua hợp tác ba bên, giữa tổ chức đào tạo của Australia, đối tác ngành và tổ chức đào tạo địa phương, giúp xây dựng và cải thiện năng lực của lực lượng lao động hiện hữu.
Học viện Chisholm được Chính phủ Úc chỉ định là đơn vị đầu mối hợp tác với Chính phủ Việt Nam thực hiện các công việc trong phạm vi chuyển giao 12 bộ chương trình trọng điểm cấp độ quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề và đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. 25 trường cao đẳng nghề Việt Nam đã được nâng cao năng lực đào tạo và hiện có thể cung cấp bằng cấp được quốc tế công nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Cơ quan Chất lượng Kỹ năng nghề Australia (ASQA) và các yêu cầu của Khung Bằng cấp Australia (AQF) đến trình độ văn bằng nâng cao.
Đối với sinh viên, việc sở hữu các bằng cấp được quốc tế công nhận cùng bộ kỹ năng phát triển nghề nghiệp tiên tiến hơn cũng giúp họ mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc. Những thay đổi trong chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng sẽ giúp cải thiện kỹ năng tiếng Anh, thực hành bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, đào tạo các kỹ năng tương lai cho sinh viên và đáp ứng nhu cầu của các ngành cụ thể tại Việt Nam.
Các sinh viên tốt nghiệp khóa đào tạo do Học viện Chisholm cung cấp (nguồn: Học viện Chisholm)
Một câu chuyện thành công khác trong việc áp dụng mô hình "Tăng cường Năng lực Doanh nghiệp" là dự án Future Health Skills (Bộ kỹ năng chăm sóc sức khỏe tương lai) – bao gồm các chứng chỉ ngắn hạn được đồng thiết kế bởi các chuyên gia y tế, trường học, chuyên gia công nghệ, nhà thiết kế giảng dạy; được thực hiện bởi Học viện TAFE Gordon cùng các tổ chức y tế tại Australia. Dự án này đã hỗ trợ gần 760 nhân viên lâm sàng và phi lâm sàng cùng 430 lao động tương lai hoàn thành một mô-đun đào tạo, ứng dụng cho 80 phòng ban khác nhau trong các tổ chức y tế. Quan trọng hơn, dự án này đã tạo ra các khóa đào tạo thực hành tốt nhất, đáp ứng những thiếu hụt cốt lõi về kỹ năng trong ngành chăm sóc sức khỏe tại các tổ chức lớn trong khu vực Geelong.
Sự hợp tác giữa các cơ sở Giáo dục và Đào tạo nghề (VET) của Australia và Việt Nam cùng các đối tác trong ngành y tế sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Bằng cách tận dụng các chương trình đào tạo được phát triển riêng biệt, thúc đẩy quan hệ đối tác và xây dựng năng lực địa phương, sự hợp tác này có thể giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả các thách thức ngành chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh hiện tại.
Truy cập Study Australia để tìm hiểu thêm về năng lực đào tạo nghề của Australia.