(Tổ Quốc) - Đã hơn 3 tháng nay, H, một môi giới BĐS tự do chưa có một giao dịch nào, dù chi phí chi cho việc chạy quảng cáo bán hàng đã kha khá.
Thị trường BĐS gặp khó khiến những môi giới BĐS cũng "khó trăm bề". Nhiều môi giới bám trụ với nghề sau đợt càn quét Covid-19 giữa năm 2021 lại lần nữa chịu đòn giáng của thị trường trầm lắng do tâm lý.
Đã hơn 3 tháng nay, H một môi giới BĐS tự do chưa có một giao dịch nào, dù chi phí chi cho việc chạy quảng cáo bán hàng đã kha khá. Gần như ngày nào H cũng gọi điện chào khách hàng mua BĐS nhưng đa số là lời từ chối ngay, số còn lại thì nói gửi thông tin để xem nhưng cũng không mấy mặn mà. "Đã lâu rồi, tôi chưa dẫn được khách nào đi xem đất, đa số là nghe tư vấn rồi nói chưa có nhu cầu. Nếu cứ như này thì khó khăn quá", H chia sẻ.
Làm cho một doanh nghiệp BĐS, chuyên bán dòng căn hộ tại Tp.HCM và tỉnh lân cận, anh V (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cũng cho hay, chi phí chạy quảng cáo để bán hàng đã hơn 20 triệu nhưng 2 tháng này anh vẫn chưa có giao dịch. Trước đó, anh bán được căn hộ tại Bình Dương, tiền hoa hồng đó "cầm cự" cho những tháng gần đây. Theo anh V, dù công ty có trả lương cứng nhưng không bán được hàng rất kẹt, có thể phải qua giai đoạn khó khăn này thì người mua mới quan tâm trở lại.
Trong khi đó, các môi giới từng bán đất nền Tp.HCM hiện gần như đã "dạt" về tỉnh lân cận tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, những tháng qua, thị trường bị ảnh hưởng chung bởi các chính sách tín dụng, thuế chuyển nhượng, lãi suất tăng… khiến hoạt động mua bán của nhà đầu tư trầm lắng hẳn tại thị trường tỉnh. Tại một số khu vực có "sóng" đầu năm 2022 cũng đã hạ nhiệt. Tuy vậy, ghi nhận cho thấy, tại thị trường BĐS tỉnh, một số khu vực như Nhơn Trạch, Long Thành hay Cẩm Mỹ hoạt động đầu tư của các NĐT đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại. Một số môi giới lâu năm tại khu vực đã bắt đầu xuất hiện giao dịch trong khoảng 2-3 tuần trở lại đây. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra lai rai chứ chưa có sự ổn định như trước đó.
Đã từng nghỉ nghề môi giới khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Tp.HCM để kinh doanh thực phẩm, anh T quay trở lại nghề vào đầu năm 2022. Thế nhưng, đến hiện tại, anh lại lần nữa muốn dừng lại vì hơn 2 tháng nay không bán được hàng. Theo anh T, lượng khách quan tâm đến BĐS giảm hẳn từ khi có các thông tin siết tín dụng BĐS. Một số khách quan tâm nhưng cũng không có ý định đi xem, kiểu tâm lý ngại vào thị trường lúc này mà chờ đợi thêm. "Một số khách đầu tư lâu năm thì liên tục hỏi tìm nguồn hàng giá ngợp để mua nhưng không phải lúc nào cũng có. NĐT có tiền muốn chờ giá giảm thêm ở những NĐT khác ngợp tài chính bán ra", anh T cho hay.
Theo anh T, thị trường xuất hiện các thông tin giảm giá cắt lỗ của NĐT nhưng thực tế con số này rất ít, thậm chí tại khu vực (khu Đông) nơi sàn anh bán hàng chính gần như không thấy hiện tượng này. Có thể do thời gian khó khăn chỉ mới vài tháng nên đa số NĐT vẫn giữ hàng chứ chưa vội bán ra với giá dưới vốn. Trong khi, nhiều NĐT lại chờ đợi để mua được giá rẻ. Thành ra, ai ai cũng chờ đợi nên thị trường không phát sinh giao dịch. "Nếu tình trạng này còn kéo dài đến cuối năm thì anh em môi giới cũng khó sống", anh T bộc bạch.
Thực ra, khó khăn là có thật nhưng theo ghi nhận, thị trường BĐS ở thời điểm này không hoàn toàn tắt giao dịch. Các giao dịch vẫn phát sinh ở các dự án căn hộ hoặc đất nền mở bán, có chăng giao dịch so với nguồn hàng chào bán chiếm tỉ lệ nhỏ. Chẳng hạn, tại Bình Dương, cuối tuần qua, một dự án đất nền mở bán, giao dịch khoảng 10 nền trên tổng số 100 nền chào bán. Hay, một dự án căn hộ tại Q.Bình Tân, Tp,HCM, giao dịch khoảng gần 100 căn trên tổng giỏ hàng 500 căn giới thiệu ra thị trường.
Như vậy có nghĩa là thị trường BĐS vẫn phát sinh giao dịch nhưng không nhiều. Bên cạnh các môi giới vẫn bán được hàng lai rai thì có bộ phận môi giới "ngồi chơi xơi nước" những tháng gần đây. Theo một môi giới lâu năm trong nghề, mặc dù nguồn cung để bán không nhiều nhưng việc chốt khách ở giai đoạn này khó khăn hơn, nhất là với những khách hàng vay ngân hàng để mua. Họ hỏi rất kỹ càng về thủ tục vay cũng như tỏ ra lo lắng không được vay, sẽ lỡ cỡ nếu như đặt cọc. Vì thế, việc xuống tiền của khách hàng lúc này khá cân nhắc so với trước đây.
Có thể thấy, thị trường BĐS đang bị ảnh hưởng bao trùm bởi tâm lý dè dặt, chờ đợi. Báo cáo thị trường nửa đầu năm 2022 của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, kượng cung và giao dịch thị trường trong 5 năm vừa qua liên tục giảm. Cụ thể, năm 2018, lượng cung toàn thị trường là 174.504 căn, giao dịch thành công đạt 112.502. Năm 2019, lượng cung toàn thị trường giảm 1/3, còn 107.596 căn, giao dịch cũng chỉ còn 73.028. Sang năm 2020, lượng cung tiếp tục giảm, chỉ còn 94.334 căn, giao dịch tiếp tục giảm, chỉ đạt 34.085. Nguồn cung thị trường vẫn không được cải thiện trong 2 năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, năm 2021, lượng cung toàn thị trường đạt 53.765 căn, giao dịch chỉ có 27.634 căn. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2022, lượng cung toàn thị trường giảm thấp kỉ lục chỉ còn 22.769, bằng 1/7 so với năm 2018 và tổng lượng giao dịch chỉ còn 11.592, bằng khoảng 1/10 so với năm 2018. Cả lượng cung và giao dịch đều giảm kỷ lục.
Nhận định về những con số thấp kỉ lục của nửa đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết lạm phát đang phủ bóng đen lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại, kéo theo thanh khoản giảm rõ rệt. Ngoài ra, chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung đang làm cho tổng nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh.
Nguồn cung giảm trong khi nguồn cầu vẫn tăng khiến giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Ngoài ra, trước đó, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Trong khi đó, các kênh huy động vốn trên thị trường yếu và thiếu khiến nhà đầu tư dần mất niềm tin.
Bảo Anh