(Tổ Quốc) - Dựa trên các số liệu được công bố, đã có 51.745 ô tô mới được bán đến tay người dùng trong tháng 4 vừa qua, tương đương 1.725 xe mỗi ngày.
Doanh số bùng nổ
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, thị trường Việt đã tiêu thụ tổng cộng 42.359 chiếc ô tô mới trong tháng 4 vừa qua. Kết hợp cả với số liệu của 2 nhà sản xuất lớn khác là TC Motor (6.959 xe) và VinFast (2.427 xe), người Việt đã mua tổng cộng 51.745 xe trong tháng vừa qua. Con số này chưa tính đến doanh số của một số hãng gồm Nissan, Subaru, Mercedes hay Volkswagen và các mẫu xe sang dạng đặc biệt.
So với các tháng trước đó, doanh số ô tô tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, chỉ xét riêng doanh số của VAMA, lượng xe bán ra trong tháng 4 tăng 14,6% và tăng hơn 100% so với thời điểm tháng 2 (trùng với dịp Tết âm lịch). So với cùng kỳ năm 2021 (30.065 xe), doanh số của các hãng thuộc VAMA đã tăng trưởng 40%.
Tính ra trong tháng vừa qua, mỗi ngày người Việt đã xuống tiền để mua 1.725 chiếc xe mới, 72 chiếc mỗi giờ, 1,2 chiếc mỗi phút.
Nguyên nhân được xem là quan trọng nhất khiến doanh số thị trường ô tô Việt bùng nổ trong khoảng 2 tháng qua chính là hiệu ứng của Nghị định 103, hỗ trợ 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước.
Doanh số 4 tháng đầu năm của VAMA và một số thương hiệu xe lớn tại Việt Nam.
Bằng chứng dễ thấy nhất chính là việc phần lớn các mẫu xe nằm trong top 10 xe bán chạy nhất thị trường trong tháng 4 đều là những mẫu xe lắp ráp. Có thể kể đến một số cái tên như Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda CX-5, Kia K3 hay VinFast Fadil. Thậm chí, một mẫu xe không thường xuyên lọt top doanh số như Honda City còn vươn lên dẫn đầu thị trường với sức bán hơn 3.000 xe hay Honda CR-V cũng bán gần 2.100 xe, đứng top 4 thị trường.
Với việc Nghị định 103 chỉ còn hiệu lực đến hết 31/5/2022, việc người dùng tăng tốc mua xe trong giai đoạn tháng 3, tháng 4 là điều dễ hiểu. Với chính sách giảm thuế trước bạ, khách hàng có thể tiết kiệm được khoảng 5-6% giá trị xe nếu mua xe lắp ráp. Như vậy, với một mẫu xe trị giá khoảng 600 triệu, người mua đã có thể tiết kiệm 30-36 triệu, hoặc có thể lên đến 50-60 triệu đồng với xe trị giá 1 tỷ đồng – con số không hề nhỏ.
Hãng nào có doanh số ấn tượng nhất?
Trong tháng 4, Toyota đã chứng tỏ vị thế thống trị thị trường với 8.694 xe bán ra (lên đến 8.925 nếu tính cả thương hiệu Lexus). Những mẫu xe chủ lực của hãng vẫn là cái tên quen thuộc như Toyota Vios, Corolla Cross với trên 2.000 xe mỗi model. Trong khi đó, các mẫu xe mới về nước của hãng như Veloz Cross và Avanza Primio cũng đạt doanh số ấn tượng với tổng cộng hơn 1.300 xe bán ra còn Camry và Fortuner vẫn vượt trội so với các đối thủ cùng phân khúc.
Nếu phải tìm ra một mẫu xe nào có doanh số chưa đạt kỳ vọng của Toyota thì đó có thể là Raize. Mẫu SUV hạng A ra mắt với nhiều kỳ vọng nhưng thông tin triệu hồi xe mới đây phần nào gây ảnh hưởng đến tâm lý người mua. Cũng cần phải nói thêm rằng từ thời điểm ra mắt, Raize chưa khi nào có đủ nguồn cung để được đánh giá một cách thực sự chính xác về nhu cầu. Tháng vừa qua, Raize chỉ đạt doanh số 630 xe.
Đứng thứ 2 thị trường trong tháng 2 chính là Kia, chứ không phải đối thủ quen thuộc của Toyota tại Việt nam là Hyundai. Thực tế, từ khi làm mới hàng loạt sản phẩm cho thị trường Việt Nam, các mẫu xe của Kia liên tục đánh chiếm thị trường với doanh số ổn định ở mức cao. Đây cũng là thương hiệu có doanh số bán ổn định nhất trong 4 tháng qua, ít bị trồi sụt hơn so với các đối thủ, ngay cả trong giai đoạn tháng 2 là thời điểm Tết âm lịch.
Doanh số của các hãng xe lớn trong tháng 4. Số liệu: VAMA, TC Motor, VinFast.
Thaco đã cho xuất xưởng 7.094 chiếc xe Kia, trong đó nổi bật là mẫu sedan hạng C K3 (1.659 xe), Kia Seltos (1.472 xe). Mẫu xe "đàn em" của Seltos là Sonet cũng đạt doanh số gần 1.000 xe, trong khi Kia Carnival tiếp tục gây ấn tượng mạnh ở phân khúc MPV với 848 xe bán ra. Kia Morning, Sorento hay Soluto cũng đều có doanh số khá tốt.
Trong khi đó, Hyundai phần nào gây thất vọng khi chỉ đạt doanh số 6.959 xe, bao gồm cả xe thương mại. Giai đoạn này, Hyundai gặp khá nhiều vấn đề về nguồn cung dẫn đến việc một số mẫu xe chủ lực của hãng như Santa Fe, Tucson hay Accent không có đủ hàng giao cho khách. Accent vẫn là mẫu xe có doanh số tốt nhất của thương hiệu Hyundai với 1.900 xe đến tay khách hàng, xếp sau đó là Grand i10 với 1.227 xe. Mẫu SUV đô thị Creta sau khi nguồn cung ổn định đã ghi nhận doanh số tăng mạnh với 1.054 xe bán ra.
Honda chính là thương hiệu gây bất ngờ nhất trong tháng vừa qua với doanh số tăng trưởng 169%, ở mức 6.100 xe, trở thành nhà sản xuất đứng thứ 4 thị trường về doanh số.
Trong khi đó, VinFast bán ra hơn 2.400 xe với model chủ lực vẫn là Fadil. Đáng chú ý, thương hiệu này tiếp tục bàn giao cho khách hàng hơn 400 chiếc VF e34, là mẫu xe điện chạy bằng pin phổ thông đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Các nhà sản xuất khác gồm Ford, Suzuki, Isuzu lần lượt đạt doanh số 1.933 xe, 1.111 xe và 980 xe trong tháng 4.
Đức Nam