(Tổ Quốc) - Chia sẻ của Bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Công nghệ, IBM Việt Nam.
Một năm sắp qua đi, thời điểm này thường là lúc dừng lại và nhìn nhận về những gì chúng ta đã đạt được và lên kế hoạch cho những mục tiêu ở phía trước.
Chuyển đổi số với tốc độ nhanh
Chuyển đổi kỹ thuật số đã trở thành hiện thực, và đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này. Cách chúng ta làm việc, học tập hay kết nối giờ đây đòi hỏi một môi trường mới, một môi trường lai kết nối giữa thế giới thực và thế giới số. Điều đó tạo nên những nhu cầu mới của người tiêu dùng và người lao động và đem đến những trải nghiệm mới đối với các nhãn hàng và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần phải bắt kịp tốc độ thay đổi để tiếp tục theo đuổi sự khác biệt hóa, tạo ra giá trị và đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp cần ưu tiên điều chỉnh và xem xét các quy trình hậu cần và chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trực tuyến, siêu cá thể hoá các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời, thích ứng với công việc từ xa.
Công nghệ là chất xúc tác kinh doanh
Là một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, chúng ta chứng kiến công nghệ được áp dụng rộng rãi, trở thành một yếu tố thúc đẩy kinh doanh. Trong khi điện toán đám mây giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp và mọi người có thể làm việc từ bất cứ đâu thì trí tuệ nhân tạo lại đang hỗ trợ các công ty chuyển đổi dịch vụ và tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng và nhân viên.
Một nghiên cứu của IBM đã chỉ ra rằng các CEO tại Việt Nam dự đoán điện toán đám mây (70%), AI (42%) và IoT (74%) là những công nghệ hàng đầu sẽ mang lại lợi ích cho họ. 42% chuyên gia CNTT cho biết công ty của họ đã tăng cường sử dụng AI trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, tự động hóa, phân tích nâng cao, 5G và Internet vạn vật cũng góp phần vào cơ sở hạ tầng CNTT và quy trình kinh doanh của các doanh nghiệp để giải quyết những thách thức trong tình hình mới.
Kết nối hiện tại và tương lai
Sự kết nối giữa thương hiệu, người tiêu dùng, doanh nghiệp và con người là yếu tố trọng yếu. Chúng ta đang thấy các hệ sinh thái ngày càng mở rộng. Quan hệ đối tác và mạng lưới mở rộng trên phạm vi toàn cầu và đưa các doanh nghiệp, người tiêu dùng, và các bên liên quan đến gần nhau hơn.
Sự hợp tác và cộng tác này đã củng cố sức mạnh cho doanh nghiệp, nhưng nó cũng đòi hỏi một tư duy mới từ ban lãnh đạo. Vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp là thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập để cho phép mỗi người phát triển tiềm năng của họ; xây dựng chiến lược nhằm thúc đẩy giá trị bền vững; xây dựng các mối quan hệ; mang lại cuộc sống an yên cho mọi người và đảm bảo ưu tiên giáo dục.
Chỉ khi văn hoá doanh nghiệp có thể hiểu và thúc đẩy các yếu tố này với một ban lãnh đạo mạnh mẽ có tầm nhìn, mới có thể đưa ra những thay đổi nhằm mang lại những mối quan hệ lành mạnh và đầy hứa hẹn. Tương lai nằm trong sự kiến tạo từ bàn tay và khối óc của con người và công nghệ sẽ là yếu tố thúc đẩy.
Việt Nam: Cường quốc kỹ thuật số tiếp theo của Đông Nam Á
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, quá trình chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả lao động, kinh doanh và tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Việt Nam có lợi thế rất lớn về chuyển đổi số với dân số gần 100 triệu người, trong đó hơn 70% sử dụng Internet, trình độ công nghệ năng động và sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành một "ngôi sao đang lên" ở Đông Nam Á. Đất nước đã trải qua một quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Môi trường kinh tế thuận lợi cũng đã thúc đẩy sự xuất hiện của nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng mở rộng. Làn sóng đại dịch gần đây cũng đã củng cố các xu hướng kỹ thuật số, đưa Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế kỹ thuật số tiếp theo ở Đông Nam Á.
Doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc áp dụng kỹ thuật số là cần thiết để đối phó với những thay đổi và chuyển đổi hướng sang nền kinh tế số. Khi Việt Nam chuyển từ sản xuất công nghệ thấp sang kinh tế định hướng dịch vụ, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, và công nghệ phần mềm sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số, nó mang lại cơ hội đáng kể cho chính phủ, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế dù còn nhiều những thách thức. IBM tin rằng Việt Nam đang trên đà trở thành cường quốc kinh tế kỹ thuật số tiếp theo ở Đông Nam Á, nhưng có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Ánh Dương