(Tổ Quốc) - Cổ phiếu này đã có 8 phiên tăng trần trong tổng số 9 phiên giao dịch gần đây nhất.
Việc những cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bỗng nhiên tăng sốc – giảm sâu đã không còn là bất ngờ lớn với các nhà đầu tư. Đối với hầu hết các cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu đều có những "câu chuyện" phía sau nó liên quan đến những tin tốt – tin xấu.
Tuy nhiên, thị trường cũng xuất hiện không ít cổ phiếu tăng – giảm mà không có một thông tin hỗ trợ nào khác. Ví dụ gần đây nhất, nhà đầu tư không thể không để ý đến diễn biến cổ phiếu HCI của CTCP Đầu tư – Xây dựng Hà Nội (Hancic) – cổ phiếu đã có 8 phiên tăng trần trong tổng số 9 phiên giao dịch gần đây nhất.
HCI đóng cửa phiên giao dịch hôm qua 7/7/2020 ở mức giá 32.600 đồng/cổ phiếu – tăng gấp 3 lần so với giá mở cửa 9 phiên giao dịch (ngày 24/6/2020) ở mức 10.800 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, thanh khoản cổ phiếu HCI không lớn, chỉ một vài trăm cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Hancic là doanh nghiệp thành lập năm 2006, hiện có vốn điều lệ 52,32 tỷ đồng tương ứng hơn 5,23 triệu cổ phiếu đang giao dịch. Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, môi giới bất động sản, lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tư vấn và tổ chức thực hiện các dự án xây dựng, triển khai các hoạt động thi công xây lắp hệ thống điện, các công trình thi công - xây lắp công nghiệp và dân dụng, kinh doanh vật liệu xây dựng,...
Kết quả kinh doanh của Hancic cũng không có gì nổi bật, thậm chí còn đang thua lỗ. Năm 2019 doanh thu công ty đạt 20,5 tỷ đồng, tăng gần 37% so với năm trước đó. Tuy vậy, trừ đi các loại chi phí phát sinh, Hanic vẫn lỗ hơn 1,2 tỷ đồng trong năm – lớn hơn cả số lỗ gần 800 triệu đồng ghi nhận trong năm 2018.
Tính đến hết năm 2019 Hancic còn khoản lỗ lũy kế hơn 12 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 209 tỷ đồng, còn nợ phải trả 141 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Hanic có ý kiến ngoại trừ của Công ty TNHH kiểm toán CPA Việt Nam liên quan đến khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tài sản thiếu chờ xử lý.
Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, công ty chưa trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi giá trị hơn 4,1 tỷ đồng – và nếu công ty hạch toán khoản này, thì kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 sẽ được điều chỉnh giảm một khoản tương ứng. Bên cạnh đó kiểm toán cũng cho biết chưa được cung cấp hồ sơ từ những năm trước liên quan đến "tài sản thiếu chờ xử lý" giá trị hơn 14 tỷ đồng, đến "chi phí trả trước dài hạn" giá trị hơn 7,5 tỷ đồng và chỉ tiêu "phải trả ngắn hạn khác" trị giá hơn 5,3 tỷ đồng cùng chỉ tiêu "phải trả người bán ngắn hạn" giá trị 2,4 tỷ đồng...
Thời kỳ đỉnh cao của Hancic trước đây là giai đoạn năm 2007- 2010 khi doanh thu và lợi nhuận của công ty đều rất lớn. Thậm chí lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt xấp xỉ 233 tỷ đồng. Trong khi đó 3 năm gần đây nhất từ 2017 đến 2019 đều kinh doanh thua lỗ.
Thái Phương