Một tỉnh của Việt Nam sẽ trở thành nơi đáng sống, đáng ghé thăm, với tốc độ tăng trưởng 9-10%/năm

(Tổ Quốc) - Tỉnh này có lợi thế phát triển kinh tế biển, có cảng Vũng Rô, kho xăng dầu với sức chứa 15.000 m3, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DVT ra vào và làm hàng, cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Phú Yên là một tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, với các tuyến giao thông khá đồng bộ từ đường sắt, đường bộ, hàng không, đường sông, đường biển; nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc-Nam và Đông-Tây.

Cùng với đó, tỉnh có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, với trên 50 con sông lớn, nhỏ, điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, nông nghiệp và đời sống; một số loại khoáng sản quý, trữ lượng lớn như đá hoa cương, vàng sa khoáng, cát vàng...; hệ sinh thái rừng đặc sắc, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái rừng.

Tỉnh Phú Yên có lợi thế phát triển kinh tế biển, có cảng Vũng Rô là cảng nước sâu hơn 20m, kín gió cho tàu có trọng tải lớn hơn 10.000 DVT ra vào dễ dàng; có kho xăng dầu với sức chứa 15.000 m3, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DVT ra vào và làm hàng, cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Năm 2022, tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, Phú Yên có 13/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,46%, tổng kim ngạch xuất khẩu 236 triệu USD, vượt 14% kế hoạch, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.365 tỷ đồng, đạt 107% dự toán Trung ương giao.

Phú Yên có tiềm năng phát triển du lịch với bờ biển dài 189 km, nhiều bãi tắm đẹp và nhiều di tích, lịch sử, văn hóa, trong đó có 18 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 21 di tích xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt là di tích Vũng Rô, Tháp Nhạn, Chùa Tổ, Nhà thờ Mằng Lăng…

Những yếu tố trên tạo điều kiện cho hoạt động du lịch trong năm qua được phục hồi, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt khoảng 2,2 triệu lượt, gấp 5,3 lần, doanh thu dịch vụ du lịch tăng gấp 6,9 lần so với cùng kỳ. Hoạt động doanh nghiệp từng bước phục hồi, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 47%.

Các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện tích cực. Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 14 bậc.

323716117_897576504941197_1030803929370325325_n.jpg

Khi thủy triều rút, san hô sẽ hiện ra trước mắt

Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu tích cực nhưng Phú Yên vẫn chưa phát triển đột phá, chưa được như mong muốn. Tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền vẫn là khâu yếu. Quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng còn chậm so với bình quân của cả nước. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng và với cả nước chưa đồng bộ, việc liên kết vùng cần làm tốt hơn. Công tác quy hoạch cần được đẩy mạnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là người lao động; tỉ lệ giảm nghèo đa chiều chỉ đạt 0,87%, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Tỉnh Phú Yên đang phấn đấu với mục tiêu đến năm 2050 "Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại". Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 khoảng 9-10%/năm.

Tỉnh xác định phương châm phát triển dựa trên 1 mũi nhọn; 2 hành lang; 3 trụ cột; 4 nền tảng; 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 1 mũi nhọn là phát triển du lịch. Hai hành lang phát triển gồm hành lang ven biển Bắc–Nam và hành lang Đông-Tây nhằm kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ba trụ cột tăng trưởng gồm: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, kết nối sâu vào chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp theo hướng tăng cường vào chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, ưu tiên phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và logistics; phát triển du lịch theo hướng độc đáo, chuyên nghiệp và bền vững.

Bốn nền tảng phát triển gồm: (1) Nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và số lượng. (2) Xây dựng văn hóa và con người tỉnh Phú Yên. (3) Đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại. (4) Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm:(1) Huy động nguồn lực. (2) Liên kết phát triển. (3) Phát triển nguồn nhân lực. (4) Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. (5) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Pha Lê

Tin mới