(Tổ Quốc) - Nhiều trường hợp người dân có nhu cầu thực nhưng khó mua được nhà, thậm chí dù tìm mỏi mắt được nhà ưng ý thì lại bị “cò quay” sang nhiều chủ mới, khiến giá tăng lên đáng kể.
Chỉ trong thời gian ngắn, một bất động sản sang tay nhiều chủ khiến mức giá đã đội lên tới tiền tỷ. Chia sẻ về câu chuyện mua “hụt” nhà, anh Trần Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tháng 4 vừa qua, gia đình anh có kế hoạch mua nhà. Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh ưng một căn nhà 5 tầng, nằm ở ngỡ trên trục đường Lê Đức Thọ, diện tích 60m2, giá chủ bán là hơn 6 tỷ đồng.
“Do hôm đi xem không đẹp ngày nên tôi hẹn mai quay lại làm giấy tờ đặt cọc. Đáng nói, hôm sau tôi quay lại thì ngôi nhà đã có người đặt mua. Người môi giới lại kết nối tôi với chủ mới thì được phát giá lên 6,4 tỷ đồng. Chỉ sau 1 ngày đã tăng tới 400 triệu đồng, tôi rất ngạc nhiên”, anh Sơn nói.
Tuy nhiên, sau một tuần suy nghĩ, vì quá ưng căn nhà này nên anh Sơn lại liên hệ để thương lượng giá. Tương tự lần trước, căn nhà này lại có tên chủ mới. Tiếp tục theo đuổi căn nhà này, liên hệ tới chủ mới anh Sơn ngã ngửa khi được phát giá 7 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, giá căn nhà anh Sơn dự tính mua đã tăng lên tiền tỷ. “Căn nhà này chủ cũ mới xây chưa ở được bao lâu, vẫn còn rất đẹp. Đáng nói là mua được diện tích rộng như vậy trong khu trung tâm cũng khó nên tôi quyết tâm mua. Nhưng mới có thời gian ngắn là phát giá thêm tiền tỷ, tôi cũng đành bỏ cuộc”, anh Sơn ngao ngán nói.
Tương tự anh Sơn, chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong tay hơn 2 tỷ đồng, chị bắt đầu tìm chung cư cũ tại khu vực này. Sau thời gian tìm kiếm, chị được môi giới giới thiệu căn chung cư rộng 62m2 với mức giá 2,2 tỷ đồng. Do không thể tự quyết một mình nên chị hẹn sẽ cùng chồng tới xem một lần nữa.
“Đến khi tôi liên hệ lại thì mức giá đã được tăng lên 2,5 tỷ đồng. Tính ra nếu mua căn nhà này, cộng thêm sửa chữa nội thất lại thì phải lên đến 2,7 tỷ đồng. Do không đủ tiền nên tôi tiếp tục đi tìm nơi khác”, chị Vân nói.
Ngoài ra, người phụ nữ này cho biết, môi giới căn nhà này vẫn liên tục gọi điện chèo kéo chị mua căn nhà này. Người này đưa ra lý do nguồn cung căn hộ không có, giá nhà trong khu vực cũng tăng cao trong thời gian qua.
Không chỉ phân khúc nhà ở người mua bị “cò quay” lên giá. Ngay cả phân khúc đất nền tỉnh, dù đang trong giai đoạn thị trường hạ nhiệt nhưng giá vẫn được phát giá tăng theo ngày. Anh Trần Tuấn Anh, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội chia sẻ, mới đây, anh về tìm về Nam Định mua một mảnh đất để đầu tư. Điều đáng nói, chỉ trong 2 tuần, mảnh đất đã có 2 chủ mới và mức giá tăng cả trăm triệu đồng.
“Tôi dự định mua sẽ để khoảng 2 - 3 năm rồi tính. Mảnh đất đó có diện tích 109m2, nằm ở mặt đường lớn rất thuận tiện, ban đầu môi giới phát giá 2,5 tỷ đồng, tôi cũng khá ưng ý. Nhưng, 2 tuần liên tiếp sang tay 2 chủ mới và mức giá tăng lên 3 tỷ đồng. Nếu giá này thì rất khó mua để đầu tư. Trong khi thị trường đã hạ nhiệt và có biểu hiện chững. Tôi cho rằng, có thể là chiêu trò tạo thanh khoản tốt”, nhà đầu tư này nhận định.
Theo giới chuyên gia nhận định, giới đầu cơ, “cò” đất dùng đủ chiêu trò “găm” hàng, tạo các giao dịch ảo kéo giá bất động sản tăng cao, vượt qua khả năng sở hữu nhà của đại đa số người dân. Điều này, sẽ để lại nhiều hậu quả tai hại cho thị trường bất động, đặc biệt là kêu gọi đầu tư và giải phóng mặt bằng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm qua, số lượng dự án bất động sản giảm đi khoảng 60%, còn lại chỉ 40% so với năm 2020. Số lượng giao dịch giảm đi một nửa so với năm 2020, nhưng số lượng giao dịch được cũng chỉ bằng một nửa số giao dịch.
Lý giải khả năng tăng giá trên thị trường bất động sản hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chừng nào nguồn cung và cầu không gặp nhau nữa mà nó có xu hướng đi song song, thì giá nhà mới có khả năng ngừng tăng. 10 năm qua, cung và cầu vẫn gặp nhau, do đó giá bất động sản không ngừng tăng.
“Bất cập trong quy hoạch đô thị đang tạo sự mất cân đối cung cầu, khiến giá bất động sản ở tất cả phân khúc đều nóng. Gần như dự án dành cho người nghèo, người thu nhập thấp không có, trong đó nhiều quỹ đất lại phát triển dự án bất động sản cao cấp. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường, người lao động nói về chuyện có nhà ở tại Hà Nội vẫn là ước mơ xa vời", ông Nghĩa nói.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, về lâu dài, cần tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.
“Còn về giải pháp trước mắt để xử lý những cơn sốt đất đang "đe dọa" thị trường, các địa phương phải sớm vào cuộc, có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, kiên quyết xử lý các vi phạm”, ông Đính nhấn mạnh.
Thanh Phong