(Tổ Quốc) - Câu chuyện “hốt cục nợ” cho nhà đầu tư trước là có thật đối với những NĐT sau cùng, khi chưa “ lướt” kịp trước khi cơn sốt đất xì hơi.
"Hốt cục nợ" ở đây được hiểu nôm na là: Trong cơn sốt đất, nhà đầu tư trước "lướt" (bán) nhanh được nền đất trước khi đất hạ nhiệt. Người mua sau mua vào bị nghẽn lại vì không thể bán ra. Người mua sau được xem là người "hốt của nợ" cho người mua trước.
Vào cuối tháng 3/2021, anh V (Quảng Xương, Thanh Hoá), mua lại nền đất của anh B với giá 1,1 tỉ đồng. Thời điểm mua là đất Thanh Hoá đang lên cơn sốt, giá tăng theo tuần, thậm chí theo ngày. Anh B là nhà đầu tư chuyên lướt BĐS trong cơn sốt đất. Trước khi bán cho anh V, nền đất này anh B mua của một nhà đầu tư khác với giá 800 triệu đồng, chỉ trong 1 tháng, anh B chào giá lên 1.1 tỉ đồng và có khách hỏi mua là anh V. Vì đang trong thời điểm đất sốt nên anh V nghĩ nền đất này còn có thể lên giá tiếp, mua vào dự tính sẽ bán chênh giá thêm vài trăm triệu nữa.
Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", đến khoảng giữa tháng 4/2021, đất Thanh Hoá bắt đầu "xì hơi", nhà đầu tư các nơi tháo chạy, các nền đất chững giá hoặc xuống giá dần. Tuy vậy, anh V vẫn hi vọng mảnh đất của mình vẫn có thể bán chênh được khoảng 100 triệu đồng trước khi cơn sốt đất "tắt hẳn". Thế nhưng, rao giá 1.2 tỉ đồng trong vòng 1 tháng không ai hỏi mua, anh V bắt đầu mất hi vọng.
Khi cơn sốt đất đã nguội hẳn vài tháng thì nền đất của anh V vẫn chưa bán được. Hiện tại, anh V rao bán mảnh đất với 800 triệu đồng để giải quyết việc tiền nong, nợ nần. Thế nhưng, dù rao bán lỗ đến 300 triệu đồng so với giá mua vào, anh V cũng khó tìm được khách mua ở thời điểm này.
Tìm hiểu cho thấy, hiện giá đất tại Thanh Hoá đã bắt đầu xuống mạnh khi cơn sốt đất đi qua. Nếu thời điểm đất sốt, giá các nền đất tăng dựng đứng từ 2-5 lần thì hiện tại đã về với giá cũ (thời chưa sốt nóng), thậm chí giảm hơn so với giá mặt bằng chung từ trước đến nay. Theo một môi giới BĐS khu vực, hiện nhiều người muốn bán ra cũng không có người hỏi mua; nhiều NĐT ôm đất chưa kịp bán ra, nếu kèm thêm việc vay ngân hàng nữa thì như "đang ngồi trên đống lửa". Theo nam môi giới này, đa số những NĐT này mua lúc đất sốt, mua lại của những NĐT lướt sóng. Có một số NĐT mua với ý định "làm của để dành" nhưng nhìn đất tụt dốc không phanh, biết mình mua "hớ" trong cơn sốt cũng vô cùng "đau lòng".
Nói như vậy để thấy, những NĐT lướt sóng đúng thời điểm là những người thắng cuộc khi cơn sốt đất đi qua chóng vánh tại vùng quê. Còn những NĐT mua sau được xem như là "hốt cục nợ" cho nhà đầu tư trước. Có thể NĐT "lướt sóng" chỉ có số vốn nhỏ, hoặc vốn vay để tham gia thị trường nhưng lại may mắn vì thoát được hàng, trong khi "quả bom" nổ chậm có thể dành cho NĐT phía sau.
Chia sẻ trước đó, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho hay, cơn sốt đất đã chính thức "hạ nhiệt" đúng như những gì đã dự báo, nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ hoặc may mắn hơn là giá đi ngang. Rất khó để có thể biết được bao nhiêu nhà đầu tư bị "bỏ lại" sau cơn sốt đất. Người "bị bỏ lại" là nhà đầu tư "ôm đất" chưa kịp ra hàng trước khi cơn sốt đất "hạ nhiệt". Đặc biệt thiệt hại nặng nề nhất là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để "ôm đất".
Trong khi đó, người "thắng đậm" là một số nhà đầu tư F0, F1 nhanh tay "đẩy hàng" ngay trong giai đoạn "đỉnh sốt", thu tiền chênh lệch. Toàn cảnh của cơn sốt đất, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là "cò" khi không mất vốn mà vẫn được hưởng hoa hồng cao. Một bộ phận chủ đất cũng được hưởng lợi bởi chiêu thức thổi giá đã khiến cho giá trị đất tăng cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS của mình, ông Toàn cho rằng, tỷ lệ nhà đầu tư thắng đậm sẽ rất thấp cho với tỷ lệ "thua đậm" và hệ lụy đằng sau những cơn sốt đất sẽ rất dai dẳng đối với sự phát triển của địa phương và bản thân những nhà đầu tư "sa lầy" trong cơn sốt.
Hạ Vy