(Tổ Quốc) - Trong xã hội ngày nay, có người nghèo, có người giàu, có người chịu được cái khổ nhưng cũng có người dễ dàng lùi bước trước khó khăn. Có rất nhiều người than thân trách phận không kiếm được tiền, cũng có người oán trách rằng bản thân làm những công việc đáng giá 2000 đô nhưng chỉ nhận được mức lương vài trăm đô, thậm chí là thấp hơn. Nhưng khi được hỏi liệu họ có chịu được khổ không, họ đều trả lời mình có thể. Trên thực tế, liệu những người này có thật sự chịu “khổ” được không?
Làm việc văn phòng hay lao động chân tay, công việc nào "khổ" hơn?
Những người làm dịch vụ bán hàng cho rằng ngày ngày chạy đôn chạy đáo tiếp thị khách hàng để bán được hàng là “chịu khổ” rồi.
Những người công nhân trên công trường thì cho rằng họ phải bán sức lao động của mình là “khổ” rồi.
Còn những người làm việc văn phòng, cái “khổ” mà họ quan niệm đó là phải tăng ca, thậm chí có những công ty còn lấy việc tăng ca làm tiêu chuẩn cho đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn của một nhân viên tiêu biểu.
Tuy nhiên, những điều trên cũng chỉ là những nỗi khổ “tối thiểu”, mang tính “cơ bản”. Những người có thể chịu khổ về mặt thể lực nhiều vô kể. Hầu như người bình thường cũng có thể bán sức lực của mình để kiếm tiền, nhưng thử hỏi có mấy ai giàu có khi chỉ dựa vào sức lực của cơ thể? Trên thực tế, có những cái “khổ” mà không phải ai cũng có khả năng “chịu” được.
Chuyên tâm học hành thì phải “chịu” sự cô đơn, muốn tư duy sâu thì phải “chịu” áp lực đầu óc, sống kỷ luật thì phải chấp nhận không được tự do, cúi đầu trước người khác thì phải “chịu” từ bỏ lòng tự tôn. Những điều này, nhìn khắp xã hội ngày nay, liệu có mấy người “chịu” được?
Người có khả năng "chịu khổ" mới có thể làm giàu
Thực ra, việc phân tầng xã hội chính là dựa trên khả năng chịu khổ của mỗi người. Nếu đã không thể chịu được, vậy thì đừng trách ông trời xếp chỗ cho bạn ở dưới đáy của xã hội. Thử để những công nhân lao động phổ thông làm việc ở văn phòng vài ngày, chịu đủ sự vùi dập của chốn công sở, có khi mới nửa ngày họ đã không chịu nổi nữa rồi.
Thậm chí nửa ngày còn là nhiều, có người mới nghe một câu nói không vừa ý đã nổi nóng, xù lông lên. Những người như vậy, làm sao có thể ngồi cùng bàn cân với các lãnh đạo? Không trải qua muôn ngàn thử thách, trải qua gọt giũa làm sao trở thành kẻ mạnh?
Cái “khổ” về mặt thể chất hầu như không còn đáng giá, cái thực sự đáng giá chính là áp lực tinh thần. Trải qua muôn ngàn thử thách chính là phải chịu đựng được đả kích, chịu đựng được áp lực lớn. Cũng giống như một miếng sắt vậy, mặc dù sắt có độ cứng của thép nhưng nó lại không chịu nổi nhiệt độ cao mà thép dễ dàng vượt qua, vì vậy, sắt làm sao so sánh được với thép?
Con người cũng tương tự như vậy, mỗi người bình thường đều có cơ thể tương đương nhau, chênh lệch sức lực giữa mọi người với nhau không quá lớn, bởi vậy việc có thể chịu được nỗi khổ về mặt thể chất thực sự không còn đáng giá nữa.
Có một số người đi làm tại các doanh nghiệp, nghĩ rằng bản thân làm việc chăm chỉ, chịu khó chịu khổ là có thể kiếm được nhiều tiền, kết quả đến khi nhận lương mới ngỡ ngàng, rồi bắt đầu không bằng lòng, mặt nhăn mày nhó.
Tuy nhiên, mọi người nên hiểu rõ một điều, giá trị của bản thân mình đang ở mức nào? Nếu cái “khó”, cái “khổ” của bạn chỉ nằm ở thể lực thì nó thường chẳng đáng giá là bao. Những thứ thật sự đáng giá là những thứ người khác không thể làm được nhưng bạn thì có thể, giá trị của bạn chính là nằm ở những thứ này.
Dùng quan điểm trên để nhìn nhận mọi người trong xã hội ngày nay, bạn sẽ nhận thấy nó vô cùng có lý.
Ví dụ như những công nhân đứng trong dây chuyền sản xuất của các công xưởng, họ cho rằng mình có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm, nhưng có một sự thật mà họ không biết đó là công việc họ làm suốt mấy năm đó, người khác có thể thích ứng chỉ trong vài ngày.
Cụ thể, công việc một ngày của một công nhân có thể rất vất vả. Nhưng những nhân viên lập trình chỉ cần viết ra một vài mã code, rồi làm thêm máy móc là có thể hoàn toàn thay thế sức lao động của người công nhân đó rồi. Đây chính là thành quả của việc chịu khó học tập, nghiên cứu.
Đừng trách thế giới này không công bằng, thực ra nó rất công bằng nếu chúng ta biết quan sát và nhìn nhận xã hội. Nếu bạn có thể chịu được nỗi khổ mà người khác không thể chịu được, vậy thì bạn mới có giá trị. Nếu bạn chỉ chịu được nỗi khổ mà người khác ai cũng có thể vượt qua, vậy thì bạn sẽ dễ dàng bị thay thế mà thôi.
Về vấn đề này, chắc hẳn bạn đọc sẽ còn có nhiều quan điểm mới mẻ khác, đừng ngại chia sẻ cùng mọi người nhé!
Theo Abolouwang
Phương Thu