(Tổ Quốc) - Tại sao những người càng có năng lực càng không thể trở thành lãnh đạo?
Tại sao không phải cứ có năng lực tốt là có thể làm lãnh đạo? Lẽ nào lãnh đạo đều là những người năng lực kém sao? Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, lãnh đạo chắc chắn cũng có năng lực của họ, sở dĩ mọi người cho rằng nhiều người có năng lực tốt những lại không thể làm lãnh đạo được là vì "năng lực tốt" trong mắt bạn hoàn toàn không phải tốt thật.
Năng lực tốt chưa đủ là làm lãnh đạo
Trong công việc, Tiểu Lý được mọi người rất yêu thích, bởi vì cậu ấy thường giúp đỡ mọi người. Mỗi khi mọi người có nhiệm vụ khó khăn nào không hoàn thành được, khi ấy gọi Tiểu Lý đến giúp đỡ, cậu ấy chắc chắn có thể giải quyết giúp. Đồng nghiệp xung quanh đều cảm thấy Tiểu Lý thật lợi hại.
Có lần công ty xuất bản một bản ấn phẩm, sắp phát hành thì khách hàng lại muốn thêm nội dung, nhưng lúc này đã sắp chữ xong xuôi hết rồi, nếu lại sửa tiếp sẽ rất phiền phức. Nhưng đó là yêu cầu của khách hàng không thể không làm, thời gian lại gấp rút. Tiểu Hoa phụ trách nhiệm vụ này rất lo lắng chưa biết cách giải quyết. Lúc này Tiểu Lý đứng ra, nhanh chóng dứt khoát, giúp cô ấy sắp xếp với các bộ phận khác và xuất bản thành công. Mọi người đều ca ngợi Tiểu Lý không ngớt lời.
Có thể thấy năng lực của Tiểu Lý rất tốt. Thứ mà mọi người đều không biết làm, cậu ấy lại có thể giải quyết nhanh chóng, nhưng Tiểu Lý vẫn chỉ là nhân viên cấp dưới, không được làm lãnh đạo. Tại sao lại như vậy?
Phân tích kỹ thì năng lực tốt của Tiểu Lý mà chúng ta biết chỉ là năng lực làm việc tốt trong công việc đơn giản. Nhưng ở những mặt khác như năng lực quản lý, khả năng điều tiết công việc, Tiểu Lý vẫn còn nhiều thiếu sót.
Tố chất quan trọng để trở thành một người lãnh đạo là trước hết phải có năng lực quản lý tốt, tiếp theo là khả năng điều tiết công việc, còn về năng lực kỹ năng làm việc ngược lại là thứ yếu, bởi vì những công việc cụ thể đã có nhân viên cấp dưới làm.
Người làm lãnh đạo cần những khả năng gì?
Tiểu Lý vốn cảm thấy Giám đốc bộ phận của công ty không bằng mình. Dựa vào công việc hàng ngày ngồi trong phòng làm việc, thỉnh thoảng nghe điện thoại, Tiểu Lý thấy Giám đốc cũng chẳng có việc gì khác để làm. "Nếu tôi mà là anh ấy thì tôi cũng có thể làm tốt hơn", Tiểu Lý thầm nghĩ.
Sau này quả thật có lần Tiểu Lý có cơ hội ngồi ở vị trí của Giám đốc. Lần đó Giám đốc nghỉ phép một tuần, bảo Tiểu Lý đến phòng làm việc giúp Giám đốc xử lý một số công việc hằng ngày, có khó khăn gì thì gọi cho anh ấy. Tiểu Lý vui vẻ nhận lời, trong lòng nghĩ: "Công việc này có gì khó đâu, tôi sắp được thư giãn rồi".
Hai hôm đầu tiên ngồi phòng Giám đốc chẳng có việc gì, chỉ là một số công việc hằng ngày, nghe điện thoại, ký tài liệu các thứ. Mãi cho đến ngày thứ ba, một khách hàng đột nhiên gọi điện thoại nói không hài lòng với sản phẩm của công ty, yêu cầu lập tức tổ chức một buổi hội nghị tiến hành thương thảo. Khách hàng gấp gáp như vậy khiến Tiểu Lý hơi bối rối và hoang mang, bèn nhanh chóng gọi điện cho người có liên quan đến họp, nhưng những người có liên quan Tiểu Lý chỉ biết chút chút, thời gian họp cũng quá một nửa rồi, chẳng có mấy người đến. Lúc này, Tiểu Lý mới nhận ra chuyện đã bắt đầu nghiêm trọng hơn.
Tiểu Lý liền gọi cho Giám đốc, báo cáo hết mọi chuyện. Vị Giám đốc trước tiên an ủi Tiểu Lý đừng lo lắng, anh ấy sẽ giải quyết. Đặt điện thoại xuống chưa đầy năm phút, tất cả mọi người đều đến đông đủ cả, sau đó khách hàng cũng đến. Cuộc họp cuối cùng cũng diễn ra thuận lợi.
Sau sự việc này, Tiểu Lý cũng không dám nói năng lực của lãnh đạo kém nữa. Bình thường lãnh đạo dường như không bận rộn như nhân viên, nhưng toàn bộ quá trình điều tiết sắp xếp công việc thì không thể thiếu sự điều phối và tính toán chung. Lãnh đạo là người phụ trách kiểm soát tình hình chung, bởi vậy, họ đương nhiên không thể là người có năng lực kém được.
Thế mới nói, năng lực làm việc của lãnh đạo là điều chúng ta không thể đo lường bằng cách thông thường. Khả năng quản lý nhân sự, điều tiết công việc mới là điều quan trọng hơn đối với những người ở vị trí cao.
Theo Baidu
Phương Thu