(Tổ Quốc) - Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang thảo luận với các đồng minh châu Âu về việc 'giới hạn giá' đối với dầu của Nga. Như vậy, Washington hi vọng có thể vừa duy trì được nguồn cung toàn cầu, vừa hạn chế được nguồn thu khủng của Moscow.
Mỹ, Anh và Canada đã công bố lệnh cấm vận dầu Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch cấm vận dầu thô của Nga qua đường biển vào tháng 12 năm nay và các loại nhiên liệu vào đầu năm 2023.
Mỹ hiện đã cấm vận dầu Nga, châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu dầu Nga. Tuy nhiên, Nga lại bán được nhiều dầu hơn cho châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Tranh thủ dầu Nga giảm giá, Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu bình quân 2 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày trong tháng 5. Ấn Độ cũng tăng mạnh nhập dầu Nga, bình quân gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5.
Mặt khác, việc tăng giá dầu đã làm dịu bớt đòn trừng phạt, vì chúng mang lại đủ doanh thu giúp Matxcơva ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu dầu Nga tăng thêm 1,7 tỷ USD trong tháng 5, đạt khoảng 20 tỷ USD – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân 15 tỷ USD mỗi tháng mà Nga thu được trong năm 2021 nhờ xuất khẩu dầu.
Xuất khẩu dầu Nga tăng mạnh trong năm 2022.
Vì vậy, các đối thủ của Tổng thống Putin đang cân nhắc một ý tưởng mới: Làm cho Nga bán dầu của mình với giá rẻ đến mức không còn đủ khả năng để tiến hành chiến dịch quân sự.
Theo tin từ Bloomberg, bà Yellen ngày 27/6 đã có cuộc trao đổi với ông Constantisnos Petrides - Bộ trưởng Bộ Tài chính Cyprus. Đảo quốc này là một cường quốc về vận tải biển, giữ vai trò trung tâm quản lý hàng hải lớn nhất châu Âu. Hai vị quan chức “đã thảo luận về mục tiêu thiết lập một trần giá đối với dầu Nga để cắt nguồn thu phục vụ cho chiến tranh ở Ukraine của điện Kremlin, đồng thời hạn chế ảnh hưởng lan toả lên nền kinh tế toàn cầu” - Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Theo đó, nhóm G7 đang thảo luận một cơ chế chỉ cho phép vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga được bán dưới ngưỡng giá đã thỏa thuận. Điều này sẽ được thực thi bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và vận chuyển.
Khoảng 95% đội tàu chở dầu trên thế giới thuộc nhóm Câu lạc bộ Bảo hiểm quốc tế ở London (Anh) và một số công ty có trụ sở tại châu Âu.
Các chính phủ phương Tây có thể cố gắng áp đặt giới hạn giá bằng cách đề nghị người mua có thể tiếp tục được bảo hiểm, miễn là họ đồng ý không trả nhiều hơn một mức giá nhất định cho dầu trên tàu.
Giới hạn giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính của Moscow, trong khi vẫn đảm bảo năng lượng chảy đến nơi cần thiết. Vì Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới.Giới hạn giá cũng có thể làm giảm áp lực lạm phát đang gây ra khó khăn kinh tế trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu đã cảnh giác với ý tưởng này vì nó có thể sẽ buộc EU xóa bỏ văn bản pháp lý của gói trừng phạt mới nhất, vốn đã mất nhiều tuần để thông qua ở 27 quốc gia thành viên.
Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh nếu các đồng minh đồng ý về giới hạn giá nhưng không giữ được thì chiến thắng sẽ thuộc về Tổng thống Putin.
Có rất nhiều cách khiến ý tưởng mới này có thể thất bại: Không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ đồng ý giao dầu với giá giới hạn, đặc biệt nếu giá giới hạn gần với giá thành sản xuất. Nga sẵn sàng từ chối cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số nước EU không đáp ứng nhu cầu thanh toán của mình.
Điện Kremlin có thể tin rằng việc giữ dầu lại không đưa ra thị trường trong một thời gian sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho các nền kinh tế của châu Âu và Bắc Mỹ so với chính nước Nga.
Washington mong muốn sẽ kìm hãm được nguồn thu khủng của Nga nhưng 'nói dễ hơn làm'
Theo nhà quản lý danh mục Darwei Kung của DWS, nếu Mỹ trừng phạt những quốc gia giữ mối quan hệ kinh doanh với Nga, thị trường dầu lửa sẽ trở nên hỗn loạn và giá dầu có thể vượt 200 USD/thùng, từ mức hơn 110 USD/thùng hiện nay. Đó chắc chắn là điều mà phương Tây không muốn, xét tới việc giá xăng ở nhiều nước đang cao kỷ lục.
Bởi vậy, Mỹ xem việc áp trần giá lên dầu Nga có thể là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu khi nào thì trần giá này được áp, và mức trần sẽ là bao nhiêu, cơ chế để thực thi là gì? Ngoài ra, một biện pháp như vậy sẽ đòi hỏi sự ủng hộ quốc tế rộng rãi để mang lại tác dụng như Mỹ mong muốn.
"Tôi cho rằng nếu G7 thiết lập một trần giá đối với dầu Nga, không rõ họ sẽ thực thi điều này thế nào, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga", nhà tư vấn thị trường dầu lửa Andrew Lipow nhận định trên Reuters.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia lưu ý rằng "không có gì có thể ngăn cản Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm tinh chế sang các nền kinh tế G7 nhằm đối phó với mức trần giá. Việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu."
Tham khảo: Bloomberg
Khánh Vy