(Tổ Quốc) - Hôm thứ Tư (1/12), Mỹ trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới xác định có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Mỹ là một người được tiêm phòng đầy đủ, thường trú tại California, vừa trở về Mỹ từ Nam Phi vào ngày 22/11 và có kết quả dương tính 7 ngày sau đó.
Tiến sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng người bị nhiễm có các triệu chứng nhẹ và đang ở trong tình trạng tự cách ly.
Vào cuối ngày thứ Ba (30/11), các hãng hàng không của Mỹ được thông báo là đã chuyển tên của những hành khách đến từ các vùng phía nam châu Phi – nơi đang bị ảnh hưởng bởi Omicron, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Thông tin về ca nhiễm virus Omicron đầu tiên ở Mỹ đã khiến chứng khoán Phố Wall giảm phiên thứ hai liên tiếp, tiếp tục chuỗi ngày ‘hỗn loạn’ kể từ sau khi có thông báo về sự xuất hiện của virus biến thể Omicron,vào tuần trước.
Chỉ số S&P 500 nhanh chóng xóa đi toàn bộ mức tăng có được lúc đầu phiên và giảm 1,2% vào lúc kết thúc phiên giao dịch. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng mất 1,8%.
Diễn biến giá trên thị trường dầu mỏ cũng tương tự như trên thị trường chứng khoán, với giá tăng mạnh 5% vào đầu phiên, nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên, kết thúc phiên này dầu ngọt nhẹ Mỹ mất khoảng 1% so với đóng cửa phiên trước, còn 65,57 USD/thùng, dầu Brent cũng giảm 36 US cent vào cuối phiên, tương đương 0,5%, còn 68,87 USD / thùng. Nhà đầu tư lo ngại virus biến thể Omicron có thể làm giảm nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu tăng lên. John Kilduff, người sáng lập Again Capital ở New York, cho biết: "Khi thị trường nhận được tin tức về các biến thể Frankenstein, bạn sẽ bán trước và tìm hiểu sau" .
Giá dầu tương lai đã chịu áp lực giảm từ nhiều tuần nay do các yếu tố khác nhau, từ biến thể mới của virus Covid-19 đến việc Mỹ quyết định xuất kho dầu dự trữ chiến lược khẩn cấp cùng với nhiều quốc gia khác.
Cổ phiếu của các công ty có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự gia tăng các biện pháp phòng ngừa đại dịch đồng loạt đỏ sàn, trong đó cổ phiếu của American Airlines giảm 8% và là một trong những hãng có hiệu suất kém nhất trong S&P 500. Cổ phiếu của United Airlines cũng giảm gần tương đương, giống như cổ phiếu của các hãng du lịch như Norwegian và Carnival.
Chứng khoán Phố Wall đồng loạt lao dốc.
Hôm thứ Ba (30/11), chỉ số S&P 500 giảm 1,9% sau khi người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết ngân hàng trung ương nước này có thể đẩy nhanh kế hoạch giảm hỗ trợ cho nền kinh tế vì lạm phát cao. Sự sụt giảm gía tiếp tục kéo dài khi chỉ số tham chiếu của Mỹ giảm thêm 3,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Virus biến thể Omicron nhanh chóng lan ra nhiều nơi trên thế giới.
Tham khảo: Reuters
Thu Ngân