Nắm trong tay 1.000 tỷ tiền mặt, sức khỏe Viettel Construction ra sao?

Trước tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, việc nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp được cho là giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Quy mô tiền mặt của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá khả năng chống chịu trước các nguy cơ khủng hoảng, đảm bảo tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tài chính cho doanh nghiệp lúc này.

Việc mạnh tay tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng góp phần cho tiền mặt trở thành tài sản trú ẩn hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn 2022-2023, bất chấp mức lạm phát cao nhất trong gần 40 năm.

Hiện nay, Viettel Construction đang dự trữ một khoản tiền mặt hơn 1.000 tỷ đồng, điều này giúp cho công ty dễ dàng thích ứng trước những khó khăn thị trường. Thực tế, Viettel Construction đã làm rất tốt công tác quản trị và "biến nguy thành cơ" trong những năm dịch Covid-19 vừa qua khi liên tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu đề ra.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2022, khoản mục vay nợ của Viettel Construction có sự điều chỉnh đáng chú ý, phần vốn này nhằm mục đích tối ưu hóa lợi nhuận cả trong ngắn và dài hạn.

Nắm trong tay 1.000 tỷ tiền mặt, sức khỏe Viettel Construction ra sao? - Ảnh 1.

Tổng quan biến động khoản vay của CTR trong năm 2022

Đối với khoản vay dài hạn, Viettel Construction sử dụng cho mục đích đầu tư cho các tài sản cố định có tỷ suất sinh lời cao và hiệu quả trong dài hạn như trạm BTS, tuyến cáp ngầm, hệ thống DAS tòa nhà.... Tổng tài sản hình thành từ đầu tư trong 9 tháng đầu năm là 256 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ hiệu quả trên vốn đầu tư của lĩnh vực Hạ tầng cho thuê cao hơn nhiều so với tỷ lệ lãi suất mà công ty đang chịu. Cơ sở này cho thấy công ty sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hiệu quả. Công ty hiện đang giữ vững vị thế TowerCo hàng đầu Việt Nam khi sở hữu 4.070 trạm BTS tính đến hết tháng 10/2022, tỷ lệ dùng chung đạt mức 1.03.

Nắm trong tay 1.000 tỷ tiền mặt, sức khỏe Viettel Construction ra sao? - Ảnh 2.

Tiền và các khoản tương đương tiền của Viettel Construction tính đến tháng 9/2022

Đối với khoản vay ngắn hạn, Viettel Construction tối ưu dòng tiền các khoản vay và đầu tư gửi tiết kiệm dài hạn, trong đó mức độ hiệu quả của việc đầu tư có thể nhận định ở mức từ 1-2%.

Thời gian gần đây, "tiết kiệm ngân hàng" đang là từ khóa hot khi các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ suy giảm mạnh. Điều này giúp cho Viettel Construction có thêm lợi thế trong kinh doanh khi công ty tối ưu lượng tiền nhàn rỗi đang sở hữu.

Nắm trong tay 1.000 tỷ tiền mặt, sức khỏe Viettel Construction ra sao? - Ảnh 3.

Bảng theo dõi khoản vay ngắn hạn và tiền gửi có kỳ hạn

Tuy cơ cấu nợ vay của CTR tăng mạnh nhưng tình hình tài chính của CTR vẫn rất ổn định khi chỉ số thanh toán nợ ngắn hạn đạt 1,1 lần. Tổng nợ/vốn chủ sở hữu đạt 2,33 lần. Tiền và các khoản tương đương tiền gửi có kỳ hạn dao động ở mức hơn 1.000 tỷ đồng, đảm bảo cơ cấu tài chính ổn định.

Theo kết quả báo cáo ước tính 10 tháng đầu năm 2022 của Viettel Construction, công ty ghi nhận doanh thu 7.758,6 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ (hoàn thành 90,4% kế hoạch 8.586,3 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 460,7 tỷ đồng, tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ (hoàn thành 89% kế hoạch năm 517,6 tỷ đồng).

Theo Viettel Construction, với đà tăng trưởng quý 4 trong những năm gần đây, công ty có thể đạt doanh thu từ 9.000 - 9.500 tỷ đồng.

Tin mới