(Tổ Quốc) - Theo JLL Việt Nam, việc nâng tầm kỹ thuật số cho chuỗi cung ứng không chỉ có ý nghĩa trong riêng mùa dịch, mà còn đem lại lợi ích lâu dài bền vững. Những công ty có chuỗi cung ứng được kích hoạt kỹ thuật số chắc chắn sẽ chiếm ưu thế về tốc độ giao dịch hàng hóa.
Theo đơn vị này, các công ty đang tìm kiếm công nghệ thông minh, tự động hóa để xử lý chuỗi cung ứng trong giai đoạn bất ổn.
Khi dịch Covid-19 bùng nổ, các công ty đã phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cảng và quá tải nhà kho. Điều này cho thấy một sự thật: dữ liệu hàng hóa vẫn chưa đầy đủ và chính xác.
Trong vài thập kỷ qua, JLL ghi nhận một vài công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật số phức tạp cho việc theo dõi hàng hóa từ nhà máy đến kho và từ kho đến người mua cuối cùng, tuy nhiên, một số lượng lớn công ty lại chưa quan tâm đến điều này, đặc biệt là khu vực châu Á, nơi các thị trường kém trưởng thành hơn Bắc Mỹ hoặc châu Âu.
Việc theo dõi chuỗi cung ứng vẫn có thể được thực hiện theo cách thủ công. Theo ghi nhận của The Business Continuity Institute, năm 2018 có khoảng 46% công ty sử dụng Microsoft Excel cho việc dự đoán, theo dõi, ghi nhận, đo lường và báo cáo về tình hình hoạt động của chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương thức này sẽ không còn hiệu quả khi nền kinh tế phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể như đại dịch toàn cầu.
Theo đại diện JLL, Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự chuyển đổi kỹ thuật số trong việc quản lý chuỗi cung ứng.
Trí thông minh nhân tạo, công nghệ chuyên dụng và tự động hóa kho bãi đang ngày càng được đầu tư, vì nếu có dữ liệu tốt, doanh nghiệp có thể dự đoán tình hình chuỗi cung ứng sẽ như thế nào vào tuần tới, vào tháng tới. Ngược lại, theo JLL, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng bế tắc.
Trước khi đại dịch bùng nổ tại Châu Á, các hoạt động hiện đại hóa chuỗi cung ứng diễn ra khá chậm chạp. Lí do chính là sự phức tạp của mạng lưới phân phối. Điển hình như tại Indonesia, Philippines và Việt Nam, những quốc gia được hình thành từ hàng ngàn hòn đảo và là nơi có hàng triệu cửa hàng gia đình. Những yếu tố này đã làm trì hoãn các quyết định số hóa và giới hạn tốc độ tăng trưởng.
Một minh chứng là một nhà sản xuất hàng tiêu dùng đóng gói ở châu Á đã chuyển giao chuỗi cung ứng cho các bên thứ ba sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và bán sản phẩm của mình. Khi đại dịch bùng nổ đã khiến công ty không thể chủ động sắp xếp công việc kinh doanh, vì hầu hết các dữ liệu được quản lý bởi bên thứ ba.
Theo đó, chỉ riêng dữ liệu là chưa đủ, một nhà sản xuất dầu khí đã không thể sử dụng công cụ để tối ưu hóa hàng tồn kho của họ tại Singapore do thiếu dữ liệu sạch (tức là không có bản sao hoặc dữ liệu lỗi thời).
Nhiều công ty đa quốc gia ở châu Á vẫn cố gắng để hiểu được nguyên tắc cơ bản của chuỗi cung ứng của họ, chẳng hạn như dữ liệu đầy đủ, sạch sẽ và chính xác; tích hợp các hệ thống khác nhau trên mạng; và hợp tác và tin tưởng với các bên thứ ba.
Tuy nhiên, cơn đại dịch toàn cầu đã tạo ra một môi trường công nghệ mới, với những gã khổng lồ Trung Quốc đang không ngừng nâng cao khả năng đáp ứng kỹ thuật số. Alibaba đã ra mắt hệ thống Hema, chuỗi cửa hàng thông minh đa kênh phục vụ cả đơn hàng trực tuyến và ngoại tuyến một cách dễ dàng. Trong khi đó, kho hàng tự động của JD.com nằm bên ngoài Thượng Hải có thể xử lý 200.000 đơn hàng mỗi ngày chỉ với bốn người, và công việc chính của con người là phục vụ các robot.
Như vậy để thấy, việc nâng tầm kỹ thuật số cho chuỗi cung ứng không chỉ có ý nghĩa trong riêng mùa dịch, mà còn đem lại lợi ích lâu dài bền vững. Những công ty có chuỗi cung ứng được kích hoạt kỹ thuật số chắc chắn sẽ chiếm ưu thế về tốc độ giao dịch hàng hóa. Việc số hóa chuỗi cung ứng cũng sẽ tạo ra ưu thế vượt bậc trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Phương Nga