Ngày 19/12, tại Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, địa chỉ: Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội, đơn vị thành viên Trung tâm chuyển giao công nghệ & khuyến nông và Công ty cổ phần nanoKentech đã diễn ra lễ ký kết "Hợp tác nghiên cứu và phát triển sản xuất giống đậu đỏ hữu cơ xuất khẩu". Theo thoả thuận, hai bên sẽ cùng nhau:
Hợp tác trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất thương phẩm sản phẩm đậu đỏ hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác là thế mạnh của mỗi bên; Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đề xuất và xây dựng các nội dung nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái;Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến (nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; Hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Nhu cầu sử dụng đậu đỏ của Nhật Bản khoảng 40 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ tự cung cấp được khoảng một nửa sản lượng. Còn lại phải nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Canada. 70% thị phần đậu đỏ của Nhật Bản hiện nay nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm tới, thuế quan nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ tăng cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ có xu hướng tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới. Trong khi đó, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để canh tác loại nông sản ngắn ngày này.
Nhận thấy tiềm năng của cây đậu đỏ, có thể trở thành giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thể xuất khẩu nhiều thị trường khác nhau trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. nanoKentech đã hợp tác với các đơn vị có năng lực để cùng nhau đầu tư sản xuất. Trong đó có Trung tâm chuyển giao công nghệ & khuyến nông - Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu, trồng thử nghiệm, phát triển giống đậu đỏ hữu cơ, hợp thổ nhưỡng, khí hậu tại các vùng trồng quy mô lớn tại Miền Bắc, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trước hết, hai bên sẽ triển khai trồng thử nghiệm 5ha tại huyện Chư Sê- Gia lai, 4ha tại xã Đắk R’Moan, Gia nghĩa, Đắc Nông và 1 ha dự kiến thử nghiệm tại tỉnh Hoà Bình.
Ở giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ đánh giá hiệu quả của dự án để phát triển vùng trồng quy mô lớn tại từng địa phương với mục tiêu sản xuất thương phẩm sản phẩm đậu đỏ hữu cơ xuất khẩu, xen canh gối vụ các loại cây trồng khác để tối ưu hoá vùng trồng.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ môi trường, nanoKentech là nhà thầu thi công bề mặt, dẫn đầu xu hướng "tái tạo không gian sống an toàn", khử mùi hôi, kháng khuẩn, diệt nấm mốc nội thất xe hơi, nhà ở dân cư, văn phòng làm việc, bệnh viện, trung tâm y tế, khách sạn, nhà hàng… thông qua giải pháp công nghệ nano titan cấp độ siêu phân tử 2nano mét.
Kenfarm, một công ty thành viên thuộc hệ sinh thái với gần 10 năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đã và đang hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Trung tâm chuyển giao công nghệ & khuyến nông, là đơn vị tư nhân đầu tiên xuất khẩu 12 giống lúa thuần sang thị trường Nigeria trồng khảo nghiệm năm thứ 4.
Trong khi đó, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn, dịch vụ, hợp tác quốc tế và đào tạo sau đại học về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ. Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam có phạm vi hoạt động toàn quốc, với 19 đơn vị thành viên trực thuộc. Trong đó có Trung tâm chuyển giao công nghệ & khuyến nông, có chức năng, nhiệm vụ là đầu mối của Viện trong chuyển giao tiến bộ khoa học cho các vùng sinh thái trong cả nước.
Với tổng số 68 CBNV cơ hữu có trình độ phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên…Trung tâm đảm bảo tốt các hoạt động: Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; Hoạt động khảo nghiệm, thử nghiệm các tiến bộ kỹ thuật mới như: khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa, ngô, đậu tương, lạc…; Hoạt động liên kết với các doanh nghiệp và dịch vụ như: chế biến hạt giống, dịch vụ giống cho sản xuất; Triển khai các hoạt động khuyến nông theo chương trình của Bộ, Viện như: Xây dựng mô hình phát triển sản xuất đậu xanh tại các vùng trồng chính, Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất canh tác kém hiệu quả cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; Hoạt động hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, vào đầu năm 2021, đối tác chiến lược của nanoKentech đã ký kết với tập đoàn Endo Seian (Nhật Bản) hợp tác sản xuất thương phẩm đậu đỏ hữu cơ xuất khẩu trong thời gian năm năm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 800 tỉ đồng.
Thông tin từ đối tác cho biết, tập đoàn Endo Seian đã ký chốt sản lượng xuất khẩu hàng năm từ 500 - 1.000 tấn. Lô hàng 100 tấn đậu đỏ đầu tiên theo kế hoạch sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 12/2022 tới đây. Đáng nói là kể từ khi ký thoả thuận hợp tác dài hạn với Endo Seian để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ, thời gian để tổ chức sản xuất, có thành phẩm xuất khẩu chỉ diễn ra trong vòng 1 năm, rất "thần tốc".
Sự kiện ký kết hợp tác giữa nanoKentech và Trung tâm chuyển giao công nghệ & khuyến nông, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững lâu dài giữa hai đơn vị, phù hợp với xu thế phát triển và trên hết là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
"Chúng tôi hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng và gia tăng sinh kế cho người dân địa phương" - ông Trần Trung Tuấn - Chủ tịch HĐQT nanoKentech chia sẻ.