Nga đang muốn kiểm soát giá dầu bằng cách tạo ra tiêu chuẩn riêng - châu Âu chuyển sang mua dầu Mỹ nhiều hơn cả châu Á

(Tổ Quốc) - Theo kế hoạch, Nga sẽ nỗ lực để thu hút các đối tác nước ngoài mua dầu, với mục tiêu đạt được khối lượng giao dịch đủ để thiết lập mức định giá dầu độc lập vào giữa tháng 3 và tháng 7 năm 2023.

Định giá dầu dựa trên tiêu chuẩn riêng?

Chính phủ Nga đã lên kế hoạch tạo ra một tiêu chuẩn dầu quốc gia vào năm tới, khi nước này tìm cách bảo vệ mình khỏi những nỗ lực của phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên họ.

Theo một tài liệu của Bloomberg News, các bộ chủ chốt, các nhà sản xuất dầu trong nước và ngân hàng trung ương có kế hoạch triển khai giao dịch dầu trên nền tảng quốc gia vào tháng 10. Theo kế hoạch, Nga sẽ nỗ lực để thu hút các đối tác nước ngoài mua dầu, với mục tiêu đạt được khối lượng giao dịch đủ để thiết lập mức định giá vào giữa tháng 3 và tháng 7 năm 2023.

Nga đã cố gắng tạo ra mức chuẩn giá dầu cho riêng mình trong hơn một thập kỷ qua, nhưng không mấy thành công. Một số nhà sản xuất dầu của nước này đã bán các lô dầu thô xuất khẩu tại sở giao dịch hàng hóa Spimex ở Moscow, nhưng khối lượng giao dịch không đủ cao để thiết lập mức giá chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu.

Nga đang muốn kiểm soát giá dầu bằng cách tạo ra tiêu chuẩn riêng - châu Âu chuyển sang mua dầu Mỹ nhiều hơn cả châu Á - Ảnh 1.

Sau cuộc xung đột với Ukraine, các nước phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ, Anh và EU đã áp loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong đó, Mỹ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu và khí đốt của Nga. Anh hướng đến loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. Còn châu Âu cấm vận dầu Nga, có hiệu lực vào cuối năm nay.

Tháng trước, nhóm các nước G7 cũng đã đồng ý hạn chế nguồn thu của Moscow bằng cách áp giá trần đối với dầu Nga.

Dầu Urals, loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga, thường được giao dịch ở mức giá rẻ hơn so với dầu Brent. Kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra, mức chiết khấu của dầu Urals càng nới rộng hơn khi các lệnh trừng phạt làm giảm sức hấp dẫn của dầu Urals. Tính từ ngày 15/6 đến ngày 14/7, dầu Nga đang được giao dịch ở mức trung bình 84 USD/thùng, trong khi dầu Brent là khoảng 110 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu toàn cầu phục hồi và tăng cao khiến cho nguồn thu từ dầu của Điện Kremlin vẫn tiếp tục, không hề suy giảm.

Hai quan chức giấu tên của Nga xác nhận chính phủ đang tiến hành xây dựng mức giá dựa trên tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, tìm cách đảm bảo việc xuất khẩu dầu thô của Nga không chịu áp lực hay hạn chế nào từ bên ngoài. Họ cho hay việc nhóm G7 đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga càng khẳng định sự cấp thiết của việc thiết lập mức chuẩn độc lập dành cho giá dầu của Nga.

Đề xuất trên đang trong giai đoạn đầu và các cơ quan chính phủ vẫn chưa xác định liệu có cần thêm khuôn khổ pháp lý nào để giao dịch dầu tại nền tảng này hay không.

Châu Âu hiện nhập khẩu nhiều dầu của Mỹ hơn châu Á

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết, 5 tháng đầu năm nay, châu Âu đã nhập 213,1 triệu thùng dầu của Mỹ, trong khi đó, châu Á nhập khoảng 191,1 triệu thùng. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua, châu Âu mua dầu thô của Mỹ nhiều hơn cả châu Á.

Sự thay đổi này là kết quả của việc chuyển hướng dòng chảy của dầu và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu áp lên Moscow.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dầu thô của Mỹ có khả năng không đủ để lấp đầy khoảng trống do dầu Nga để lại khi lệnh cấm vận dầu thô của châu Âu có hiệu lực vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa châu Âu cần đẩy mạnh nhập khẩu từ châu Á.

Nga đang muốn kiểm soát giá dầu bằng cách tạo ra tiêu chuẩn riêng - châu Âu chuyển sang mua dầu Mỹ nhiều hơn cả châu Á - Ảnh 2.

Ông Jonathan Leitch từ Turner Mason & Company tin rằng sự thiếu hụt nhập khẩu dầu từ Nga sang EU có thể lên tới hơn 700.000 thùng/ngày và EU sẽ phải tìm các nguồn mới để bù đắp khoảng trống này.

Trung Quốc và Ấn Độ có thể nằm trong số những nguồn này, Leitch nói với UBS trong một cuộc gọi gần đây. Tuy nhiên, cả hai nước này đang hạn chế xuất khẩu khi họ tìm cách hạ nhiệt giá dầu và nhiên liệu trong nước.

Christopher Haines từ Energy Aspects cho biết, tỷ lệ nhập khẩu dầu từ Mỹ vào châu Âu sẽ không thay đổi trong một thời gian ngắn khi châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu Nga.

Vấn đề được đặt ra là, đối với cả châu Âu và châu Á, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của hai khu vực này. Điều này, cùng với những nghi ngờ về khả năng đẩy mạnh sản lượng của OPEC, cho thấy giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng cao.

Các nhà sản xuất lớn nhất trong khu vực, Ả Rập Xê Út và UAE, đang phải vật lộn để đáp ứng các cam kết sản xuất của OPEC . Các nhà cung cấp khác, như Libya, đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị khiến xuất khẩu bị hạn chế.

Tham khảo: Bloomberg, Oilprice

Khánh Vy

Tin mới