Ngành chăn nuôi nội địa vẫn ở thế khó vào quý I/2022

(Tổ Quốc) - Ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian qua đã trải qua nhiều thách thức lớn khi chịu áp lực từ cả giá đầu vào tăng liên tục, lẫn sức ép từ đầu ra do giá heo lao dốc. Liệu triển vọng ngành trong quý I năm 2022 có trở nên tích cực hơn không khi nhu cầu thực phẩm tăng lên trước dịp tết Nguyên đán sắp tới?

Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% trong cấu trúc chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu các mặt hàng ngô, lúa mì và đậu tương. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 11 năm 2021 đạt 1,04 triệu tấn với giá trị đạt 317 triệu USD, tăng 26,3% về khối lượng và 35,3% về giá trị so với tháng trước.

Sự thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam làm gia tăng rủi ro và lệ thuộc vào giá nông sản thế giới, minh chứng rõ ràng nhất là giai đoạn nửa đầu năm nay khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đều đồng loạt tăng mạnh. Mặc dù đã ổn định ở mức thấp hơn so với hồi tháng 6 nhưng bài toán chi phí lại một lần nữa là vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào có nguy cơ tăng trở lại.

Cơn sốt giá nguyên liệu đang có dấu hiệu quay trở lại

Bước vào quý IV năm nay, khi nông dân Mỹ vừa bước vào vụ thu hoạch ngô và đậu tương, đồng nghĩa với việc nguồn cung có sẵn trên thế giới trở nên dồi dào hơn, giá các mặt hàng này cũng đồng thời giảm về mức thấp. Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng qua, trái với nhiều nhận định đưa ra trước đây, giá nông sản không những biến động mạnh hơn mà còn lại một lần nữa "trỗi dậy" và có dấu hiệu lập đỉnh trong quý I năm sau.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 được giao dịch liên thông với thế giới qua Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam đã tăng 0,71% lên mức 603 cent/giạ (~ 237USD/tấn). Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất của ngô kể từ vùng đỉnh hồi tháng 6. Giá đậu tương cũng tiếp nối đà tăng 7 phiên liên tiếp, lên mức 1335 cent/giạ (~ 488 USD/tấn).

Ngành chăn nuôi nội địa vẫn ở thế khó vào quý I/2022 - Ảnh 1.

Nguy cơ hạn hán kéo dài ở Brazil và Argentina, 2 quốc gia sản xuất nông sản chính trên thế giới khiến cho giá các mặt hàng đang bước vào xu hướng tăng trở lại. Thời tiết nóng và khô hạn từ cuối tháng 10 đang tác động tiêu cực đến vụ ngô vụ 1 tại miền nam Brazil, đặc biệt khi cây trồng đang ở trong giai đoạn thụ phấn và kết hạt. Nhiều nơi tại bang Rio Grande do Sul đã ghi nhận mức thiệt hại khoảng 70%, thậm chí con số này có thể lên đến 90% tại một số khu vực.

Theo hãng tư vấn AgRural, sản lượng ngô trong niên vụ 2021/22 của Brazil dự kiến sẽ ở mức 114,4 triệu tấn, thấp hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Bên cạnh đó, sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 dự báo cũng bị cắt giảm xuống mức 144,7, thấp hơn mức 145,4 trong ước tính trước đó của chính hãng tin này.

Ngành chăn nuôi nội địa vẫn ở thế khó vào quý I/2022 - Ảnh 2.

Biến chủng Omicron đe doạ chuỗi cung ứng toàn cầu

Kể từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp nhập khẩu đã phải đối mặt với những vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19. Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 lại một lần nữa đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại Trung Quốc, chính phủ đã có những biện pháp kiểm soát gắt gao hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh với việc đóng cửa hàng loạt thành phố, hạn chế hoạt động vận chuyển hàng hóa tại khu vực biên giới cũng như tạo ra các quy chế kiểm tra nghiêm ngặt tại các cảng. Do Trung Quốc chiếm hơn 90% thị phần sản xuất container của thế giới, nên các biện pháp hạn chế của quốc qia này nhiều khả năng sẽ khiến tình trạng thiếu hụt container trở nên nghiêm trọng hơn.

Những khó khăn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa do thiếu container đã và sẽ tiếp tục khiến chi phí vận chuyển tăng cao trong thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung nông sản cho thị trường Việt Nam phần lớn đến từ Ấn Độ, Nam Mỹ và Mỹ nên giá cước hàng hải cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới giá nhập khẩu nguyên liệu.

Giá heo hơi khó tăng mạnh bất chấp thời điểm trước Tết Nguyên đán

Sự phát triển của ngành chăn nuôi heo thịt Việt Nam là động lực chính của ngành sản xuất TĂCN trong nước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi heo tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm do giá thịt heo hơi duy trì ở mức thấp.

 Trong nửa sau năm 2021, giá heo toàn cầu đã bước vào thời kỳ lao dốc khi đàn heo tại Trung Quốc được phục hồi sau dịch tả châu Phi (ASF). Triển vọng nguồn cung thịt thế giới trở nên tích cực hơn, cùng với việc Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu thịt cũng đã gián tiếp tạo sức ép lên giá thịt heo tại thị trường Việt Nam.

Ngành chăn nuôi nội địa vẫn ở thế khó vào quý I/2022 - Ảnh 3.

Hiện nay ở Việt Nam, dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp tại một số địa phương và phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu lỗ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều cơ sở chăn nuôi sẽ phải dừng nuôi, để trống chuồng trước lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng.

Về nhu cầu tiêu thụ, giá heo có nhiều khả năng sẽ còn giảm hoặc duy trì ở mức thấp trong quý I năm 2022 khi mà lo ngại về những biến chủng mới của Covid-19 sẽ khiến cho các biện pháp chống dịch được siết chặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ trực tiếp từ các nhà hàng và bếp ăn tập thể mà còn gây cản trở việc lưu thông heo.

Thông thường giá heo hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ tết. Tuy nhiên, lo ngại về dịch tả heo trong năm nay có khả năng sẽ khiến người dân ít sử dụng các sản phẩm từ thịt heo hơn cũng như thúc đẩy các hộ nông dân bán tháo. Điều này sẽ là một sức ép lớn lên diễn biến của giá heo trong năm nay và có thể sẽ khiến quy luật tăng giá cuối năm không còn chính xác. Ở một góc nhìn lạc quan hơn, trong kịch bản dịch Covid-19 và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát, giá heo hơi có khả năng sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ nhưng sẽ vẫn ở mức thấp trong quý I/2022.

Theo các chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), những khó khăn mà ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt trong năm 2020 vẫn sẽ còn tồn đọng và kéo dài sang năm 2022. Tuy nhiên, với kinh nghiệm bảo vệ rủi ro trong giai đoạn vừa qua, một số doanh nghiệp đã có thể thích ứng, và linh hoạt nhờ áp dụng các biện pháp phòng hộ giá bằng hợp đồng tương lai. Đây sẽ là công cụ phòng ngừa rủi ro mà các doanh nghiệp nên tiếp cận để kiểm soát chi phí trong bối cảnh nước ta vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nông sản thế giới.

Doanh Phạm - Khánh Linh (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)

Tin mới