(Tổ Quốc) - Mới đây, Vietjet đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Với sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không và du lịch, trong quý I/2022, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đã hoạt động và khai thác hiệu quả, mở đầu cho kế hoạch phát triển của năm 2022.
Kết thúc quý I/2022, theo BCTC hợp nhất, tài sản ngắn hạn của Vietjet tăng 30% lên gần 35.000 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở các khoản tiền gửi và các khoản phải thu ngắn hạn.
Tài sản dài hạn của doanh nghiệp vào ngày 30/03 tăng nhẹ gần 3% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở chi phí trả trước dài hạn.
Tài trợ cho tài sản tăng chủ yếu từ nợ phải trả, trong đó, phải trả ngắn hạn khác tăng mạnh hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 400% so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, số dư vay và phát hành trái phiếu dài hạn của Vietjet cũng tăng 50% lên hơn 12.000 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh trong quý I, lợi nhuận gộp hợp nhất của Vietjet đã chuyển biến tích cực hơn khi doanh thu tăng trưởng gần 12% và giá vốn giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, do kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp hợp nhất quý I vẫn âm 257 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 1.156 tỷ đồng nên hết quý I, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dương 249 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty đạt 244 tỷ đồng, tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietjet nói chung và các doanh nghiệp ngành hàng không nói riêng được đánh giá sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ. Từ cuối năm ngoái đến nay, ngành hàng không và du lịch đã mở cửa hoàn toàn trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.
Trong 3 tháng đầu năm, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế được khai khác.
Đây là kết quả rất đáng chú ý của Vietjet trong bối cảnh ngành hàng không các tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet trong quý I đã đạt 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021, đánh dấu cột mốc phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I hơn 12.500 tấn.
Đặc biệt, Vietjet đã đưa hai tàu bay thân rộng A330 đầu tiên vào khai thác và dự kiến sẽ đưa chiếc thứ ba vào đội hình tàu bay hiện đại của mình trong thời gian tới.
Về lưu chuyển tiền tệ trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của Vietjet âm gần 3.000 tỷ đồng, bù lại, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương hơn 4.000 tỷ đồng. Kết quả dòng tiền thuần cuối kỳ dương hơn 1.000 tỷ đồng, nguyên nhân chính nhờ thu tiền từ phát hành trái phiếu gần 2.900 tỷ đồng và chênh lệch giữa vay mới và trả nợ hơn 1.200 tỷ đồng.
An Vũ