Với chủ đề "Vì một châu Á đột phá", giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023 (Asia Architecture Design Awards - AADA) truyền tải thông điệp về một khu vực đang có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Châu Á là lục địa lớn nhất trên thế với các nền văn hóa và lịch sử phong phú, bao gồm những xã hội lâu đời và phức tạp nhất hành tinh. Những dân tộc này đã xây dựng nên những kỳ quan kiến trúc vĩ đại của nhân loại như Vạn lý trường thành (Trung Quốc), đền Taj Mahal (Ấn Độ), cung điện Potala (Tây Tạng), đền Angkor (Campuchia), tu viện Taktsang Palphug (Bhutan)…
Phát triển theo chiều dài lịch sử, kiến trúc châu Á hiện đại cũng có những dấu ấn riêng biệt với những công trình nổi tiếng như tháp đôi Petronas (Malaysia), Elephant Building (Thái Lan), công viên Gardens by the Bay (Singapore), tháp Tokyo Sky Tree (Nhật Bản)…
Trong bối cảnh ngành Kiến trúc - Thiết kế châu Á đang có ảnh hưởng rộng rãi không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu, Tổ chức Giải thưởng châu Á (Asia Awards Organization - AAO) chính thức khởi động Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023 (Asia Architecture Design Awards - AADA) để tôn vinh những dự án, sản phẩm từ cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc trong ngành, có những tác động tích cực tới sự phát triển hạ tầng của khu vực.
Nhận xét về sự phát triển của kiến trúc châu Á, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược AAO - ông Dylan Yip cho biết: "Các thiết kế của châu Á có sự pha trộn giữa truyền thống và văn hóa dân tộc, tạo ra những dấu ấn riêng trong lịch sử kiến trúc châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Những năm gần đây, kiến trúc châu Á hiện đại ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và đi đầu trong việc kết hợp giữa văn hóa và kiến trúc bền vững, lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua những công trình của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… được giải thưởng quốc tế lớn trong vài năm qua".
Với riêng ngành Kiến trúc - Thiết kế Việt Nam, ông Dylan Yip đánh giá, Việt Nam rất giàu tiềm năng với bề dày văn hóa lịch sử cùng việc sở hữu nhiều kiến trúc sư, các đơn vị thi công giỏi. Trên thực tế, Việt Nam cũng tạo ra được một số công trình vượt tầm khu vực, được cả thế giới biết đến như cầu Vàng (Đà Nẵng), tòa nhà Bitexco (TP.HCM)... Tuy nhiên, ngành Kiến trúc - Thiết kế Việt Nam cần được trao thêm nhiều cơ hội để khẳng định được tên tuổi của mình, để tạo được một vị trí thật vững chắc trên trường quốc tế.
Năm nay, AADA diễn ra từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023, quy tụ số lượng lớn ứng viên là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành. Với chủ đề "Vì một châu Á đột phá", AADA gồm 30 hạng mục trải dài ở 6 lĩnh vực khác nhau, mang đến một bức tranh toàn cảnh về ngành Kiến trúc - Thiết kế châu Á đang vươn lên rực rỡ và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới.
Bên cạnh đó, AADA còn là sân chơi, là nơi kết nối, giao lưu, chia sẻ. Các ứng viên được cạnh tranh một cách công bằng dựa trên hệ thống tính điểm được chuẩn hóa trên từng tiêu chí cho các hạng mục đề cử. Với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành, những người nổi tiếng trong lĩnh vực và các đơn vị truyền thông quốc tế, AADA mang đến cơ hội để các nền kiến trúc trong châu Á khẳng định được vị thế của mình.
AADA không giới hạn số lượng ứng viên trong và ngoài châu Á. Những dự án, cá nhân, doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải diễn ra vào tháng 6/2023 tại Singapore.
Để nhận thông tin và đề cử dự án tham dự Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023 (Asia Architecture Design Awards - AADA), vui lòng truy cập http://aadawards.com/ hoặc liên hệ qua Email submit@aadawards.com.