Việt Nam hiện có khoảng 4.900 doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến đồ gỗ nội thất, là nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ hai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ năm trên thế giới, sau Trung Quốc, Đức, Ý và Ba Lan.
Khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới đây cũng cho thấy, đồ nội thất nằm trong Top 10 sản phẩm được mua bán phổ biến nhất trên các sàn giao dịch điện tử trong nước năm 2019.
Thống kê giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của doanh thu ngành nội thất đạt mức 13,5%; dự báo doanh thu đạt 793 triệu USD vào năm 2023. Nhóm mặt hàng có doanh thu cao nhất trong ngành nội thất là sản phẩm nội thất, đồ gia dụng với doanh thu 358 triệu USD trong năm 2019. Theo báo cáo của Statista, doanh thu của ngành kinh doanh nội thất tại Việt Nam xếp thứ 37 trên thị trường toàn cầu.
Sự tăng trưởng chính là lý do các nhà cung cấp gỗ từ khắp nơi trên thế giới tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam thời gian gần đây. Canada là một trong số đó.
Trong vai trò là phát triển thị trường gỗ và kết nối (không mua bán), Canadian Wood Việt Nam kỳ vọng có thể tiếp cận thêm nhiều nhà sản xuất, đơn vị thiết kế nội thất Việt Nam, quảng bá các chủng loại gỗ mềm từ tỉnh bang British Columbia (B.C.), Canada.
"Hiện, nguồn cung gỗ cứng ngày càng giảm trên toàn cầu, trong khi nhu cầu nội ngoại thất gỗ đang tăng. Do đó, nhiều nhà sản xuất phải tìm chủng loại gỗ mới để thay thế, và gỗ mềm là một trong số những lựa chọn đang được nhiều đơn vị cân nhắc. Theo quan sát, ngành nội thất gỗ Việt Nam có quy mô rất lớn và ngày càng phát triển, nên nhiều nhà cung cấp gỗ bên Canada đã, đang tích cực tìm kiếm nhà sản xuất tại đây", ông Peter Bradfield - cố vấn kỹ thuật cấp cao Canadian Wood - nhấn mạnh.
Theo đại diện Canadian Wood Việt Nam, trước khi tham gia thị trường, đơn vị đã có sự nghiên cứu kỹ càng và lên kế hoạch bài bản dài hạn. Trong số 4.000 - 5.000 đơn vị xuất khẩu gỗ nội thất hiện nay, Canadian Wood Việt Nam đã và đang tìm những nhà sản xuất tiềm năng, có khả năng ứng dụng được gỗ Canada. Sau hơn 5 năm, họ đã kết nối với gần 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, nhằm giới thiệu 5 chủng loại gỗ độc đáo, bao gồm Độc cần bờ Tây, Tuyết tùng đỏ bờ Tây, Vân sam – Thông – Linh sam (nhóm SPF), Linh sam Douglas, và Bách vàng.
Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là Linh sam Douglas, đây là loại gỗ vốn nổi danh về các đặc tính tự nhiên vượt trội, áp dụng làm cửa gỗ, khung cửa, đồ gỗ nội thất và các sản phẩm gia công nói chung. Nhờ vào đặc tính chịu lực cũng như số lượng sẵn có cho các kích thước to rộng, gỗ Linh sam Douglas Canada cũng rất phổ biến trong kết cấu xây dựng.
Ông Peter Bradfield - Cố vấn Kỹ thuật Cấp cao Canadian Wood – bổ sung: "Ưu điểm của gỗ Canada so với các dòng gỗ khác là thớ chắc, độ bền cao, dễ thi công và đa dạng chủng loại nên có thể dùng làm nội thất trong nhà hoặc khung ngoài trời. Hơn nữa, năm chủng loại gỗ mà Canadian Wood giới thiệu đến thị trường Việt Nam đều là gỗ mềm. Theo đó, việc gia công, chế tác sẽ đơn giản, đỡ hao công hơn. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất có thể được nâng cao. So với gỗ cứng truyền thống, gỗ mềm ngày càng được ưa chuộng nhờ ưu điểm dễ uốn, dễ định hình và thiết kế linh hoạt hơn".
Cần nhấn mạnh, gỗ mềm chỉ là xu hướng gần đây nên chưa thể thay thế hoàn toàn gỗ cứng. Song, như đã đề cập, do nguồn cung gỗ cứng giảm, và kinh tế khó khăn nên các nhà sản xuất, thiết kế nội thất đang nỗ lực tìm kiếm thêm những lựa chọn mới. Trong đó, các chủng loại gỗ mềm của Canada hiện đang là một trong những phương án tối ưu nhất.
Ngoài ra, xu hướng hiện nay là xu hướng tiêu dùng bền vững, khách hàng (đặc biệt người trẻ) ngày càng chuộng sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Và gỗ Canada hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí này.
Theo tìm hiểu, có khoảng 95% diện tích rừng tại B.C. thuộc sở hữu công và được quản lý bởi các quy định về môi trường và điều luật nghiêm ngặt. Hơn 41 triệu ha đất rừng của B.C. đã được chứng nhận rừng bền vững.
"Canada hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về chứng chỉ rừng, trong đó B.C. đóng góp phần nhiều nhất về số lượng rừng được chứng nhận. Mỗi năm chỉ một phần nhỏ, khoảng dưới 1% trên tổng số rừng được khai thác tại British Columbia. Nhờ việc tái thiết rừng, hằng năm có khoảng 200 triệu cây mới được gieo trồng. Gỗ là một trong số các vật liệu hiếm hoi có sự tham gia của các tổ chức thứ ba đứng ra cung cấp các chứng chỉ, nhằm xác minh những sản phẩm gỗ đều xuất phát từ nguồn gỗ được quản lý bền vững", ông Peter Bradfield nhấn mạnh.