Dự án "Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng Tây Bắc Việt Nam" (mã dự án LPS/2015/037) do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Chính phủ Úc (ACIAR) tài trợ.
Bộ môn Phân tích định lượng (thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và phát triển thị trường), Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một đối tác chính. Dự án được triển khai từ năm 2017, qua 5 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy tiềm năng trong phát triển chăn nuôi trâu bò của tỉnh là khá lớn.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy hạn chế trong phát triển chăn nuôi trâu bò của tỉnh Điện Biên là chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết nên hiệu quả kinh tế không cao và nhận thức của người nông dân về chăn nuôi theo nhu cầu thị trường còn nhiều hạn chế. Tuy những tồn tại và hạn chế từ nhận thức của người nông dân ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chăn nuôi nói chung và phát triển chăn nuôi trâu bò nói riêng, nhưng việc thay đổi nhận thức của người nông dân là một quá trình lâu dài.
Nhận thấy trẻ em nói chung, học sinh tiểu học nói riêng có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng, nhất là trong tác động đến nhận thức của cha mẹ và người thân bao gồm những người nông dân.
Nhóm nghiên cứu của Dự án bao gồm các cán bộ Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc và Đại học Tasmania (Úc) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa - huyện Tuần Giáo tổ chức hoạt động trải nghiệm, truyền cảm hứng về phát triển nông nghiệp với tên gọi "Ngày hội nông dân tương lai" cho các em học sinh lớp 4 & 5 tại trường Tiểu học số 1 Quài Nưa, nằm trên địa bàn nghiên cứu của dự án.
Tại chương trình, các em học sinh lớp 4 & 5 đã được nghe, nhìn và trải nghiệm về chuỗi giá trị bò thịt, trồng cỏ nuôi bò, chăn nuôi bò, công nghệ thực tế ảo (VR) trong giáo dục nông nghiệp, hoạt động làm việc nhóm (teamwork) và thể hiện sự sáng tạo và trí tưởng tượng của mình về người nông dân tương lai qua 2 phần thi vẽ tranh và diễn kịch. Các hoạt động này đã được các em học sinh hào hứng tham gia với hy vọng dự án sẽ khuyến khích các em học sinh học tập trong tương lai và tạo hứng khởi cho các em học sinh phấn đấu góp phần vào sự phát triển nông nghiệp trong tương lai.