Ngày nghỉ lễ "tranh thủ" ôn lại kiến thức: Bạn thuộc trường phái đầu tư chứng khoán nào?

(Tổ Quốc) - Thị trường chứng khoán rộng lớn nhưng chung quy lại cũng chỉ có 4 trường phái đầu tư chứng khoán chính. Nhà đầu tư cần hiểu rõ thế mạnh, năng lực, tính cách của bản thân để lựa chọn cho mình những phương pháp phù hợp nhất.
      Năm 2020 và năm 2021 có thể nói là giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán khi người người, nhà nhà đều "đua" nhau đầu tư chứng khoán. Theo Chứng khoán Pinetree, sự hỗ trợ của công nghệ cũng đã giúp làn sóng đầu tư chứng khoán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Như đối với Pinetree, hệ thống eKYC của công ty được đầu tư theo chuẩn quốc tế do nhà thầu Hàn Quốc sẽ giúp nhà đầu tư dù ở bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet ổn định và chứng minh nhân dân/căn cước công dân đều có thể mở tài khoản chứng khoán một cách nhanh chóng.


      Làn sóng đầu tư chứng khoán diễn ra mạnh mẽ hơn bất kỳ sự tưởng tượng của ai, nhưng, điều đáng nói là, chính những người tham gia tạo nên làn sóng lớn trên thị trường lại chưa thực sự chuẩn bị đủ cho mình hành trang kiến thức để tham gia kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán rộng lớn. Chính vì thế, Chứng khoán Pinetree đã tổng hợp một số kinh nghiệm trên thị trường để chia sẻ và nâng cao hiểu viết cho nhà đầu tư. Bài viết này giúp nhà đầu tư biết được các trường phái đầu tư chính trên thị trường chứng khoán và lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.

      ***


    Trường phái đầu tư chứng khoán là gì?

Trường phái đầu tư (Investment Philosophy) là những nguyên tắc định hướng cho quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Mỗi trường phái đầu tư sẽ thể hiện một cách suy nghĩ nhất quán và có hệ thống về mọi vấn đề liên quan đến chứng khoán.

Cùng trên một thị trường và cùng trong một thời điểm, nhà đầu tư thuộc các trường phái đầu tư khác nhau sẽ nhìn thấy những cơ hội khác nhau và hành động hoàn toàn khác nhau để tạo ra lợi nhuận. Ví dụ như trong một xu hướng tăng, nhiều nhà đầu tư mua vào với số lượng lớn vì họ tin rằng thị giá sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại bán ra vì họ cho rằng giá đã đạt đến ngưỡng cao của nó.

Khi tham gia đầu tư chứng khoán, việc theo đuổi một trường phái đầu tư nhất định sẽ quyết định thành công của nhà đầu tư. Bởi nếu muốn thành công bạn cần phải tích luỹ kinh nghiệm và xây dựng cho mình một quan điểm, chiến lược đầu tư riêng và kiên trì đi theo chiến lược đó. Trong đầu tư chứng khoán , yếu tố tâm lý là vô cùng quan trọng. Khi lựa chọn một trường phái đầu tư nhất định, nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào nhận định của mình và dễ dàng đưa ra quyết định. Ngược lại, khi không có một quan điểm đầu tư nhất quán, nhà đầu tư sẽ dễ dàng bị lung lay bởi những biến động của thị trường, thay đổi từ chiến lược này sang chiến lược khác. Như vậy, nhà đầu tư đã biến việc đầu tư trở nên cảm tính, may rủi, một vòng lặp lại của thử và sai.

4 trường phái đầu tư chứng khoán

Đầu tư giá trị (Value Investing Philosophy): Trên thị trường cổ phiếu, đầu tư giá trị là việc đầu tư cổ phiếu trên cơ sở giá trị của chúng, có nghĩa là nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán một cổ phiếu bằng cách nhìn vào giá trị mà cổ phiếu đó chứa đựng. Khái niệm này được dùng để phân biệt với việc mua bán cổ phiếu trên cơ sở dòng tiền/cung cầu thị trường đối với cổ phiếu.

Nói cách khác, quyết định mua bán cổ phiếu của một nhà đầu tư giá trị được căn cứ vào giá trị nội tại (intrinsic value) mỗi cổ phiếu, tức là tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của lợi tức (lợi nhuận và cổ tức) với mỗi cổ phiếu đó. Nếu giá thị trường (market value) thấp hơn intrinsic value, nhà đầu tư giá trị sẽ mua vào khi mức độ thấp đủ hấp dẫn. Mức độ đủ thấp của giá cổ phiếu tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư (và mức độ chênh lệch này gọi là một khoảng ‘Biên an toàn’ – Safety Margin). Sau đó, khi market value tăng lên bằng hoặc cao hơn intrinsic value một mức độ đủ lớn, thì nhà đầu tư giá trị quyết định bán ra hoặc tiếp tục nắm giữ.

Warren Buffet là nhà đầu tư nổi tiếng đi theo trường phái đầu tư giá trị. Warren Buffet từng chia sẻ: "Theo quan điểm của tôi, mỗi khi cổ phiếu rớt giá. Tôi rất thích. Vì tôi là một người mua ròng (net buyer)".

Đầu tư cơ bản (Fundamental Investing Philosophy): Đầu tư theo phương pháp cơ bản là phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các yếu tố có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển của công ty trong tương lai. Các nhà phân tích cơ bản nghiên cứu bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái của nền kinh tế và điều kiện ngành đến các yếu tố kinh tế vi mô như hiệu quả quản lý của công ty.

Đối với một doanh nghiệp được đánh giá là có một "sức khỏe tài chính" khỏe mạnh đồng nghĩa với những thông tin về lợi nhuận, doanh thu, tài sản phải có sự  ổn định và tiềm năng tăng trưởng. Dựa vào những yếu tố cơ bản vừa nêu trên, các nhà nhà đầu tư có thể rút ra được những ước tính về khả năng kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định xem có nên  đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này hay không.

Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing Philosophy): Đó là chiến lược đầu tư tập trung vào việc làm gia tăng nguồn vốn của nhà đầu tư dựa vào việc tăng giá cổ phiếu (Capital gain). Các nhà đầu tư này thường đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng – là cổ phiếu của các công ty được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cao trong tương lai. Các khoản đầu tư này thường là các khoản đầu tư vào các công ty hoạt động trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao, mở rộng nhanh chóng.

Lợi nhuận của các khoản đầu tư tăng trưởng đến từ sự gia tăng vốn – nghĩa là lợi nhuận mà các nhà đầu tư có được khi bán cổ phiếu của mình, trong khi lợi nhuận đến từ cổ tức của các khoản đầu tư này thường nhỏ. Lý do là vì trên thực tế, hầu hết các công ty tăng trưởng đều thực hiện tái đầu tư lợi nhuận thu được vào hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì trả cổ tức cho cổ đông. Nhà đầu tư kiểu này thường ưa thích các công ty có quy mô nhỏ và vừa, có ý tưởng/mô hình kinh doanh xuất sắc, hoạt động trong thị trường có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao. Khi các công ty tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, chính điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng lên trong tương lai.

Đầu tư kỹ thuật (Technical Analysis Philosophy): Phân tích kỹ thuật (Technical analysis) là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung –  cầu đối với cổ phiếu để giúp cho nhà đầu tư quyết định thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.

Trường phái đầu tư này có quan điểm đi ngược lại với đầu tư giá trị. Những nhà đầu tư theo phong cách đầu tư kỹ thuật thông thường sẽ cho rằng hoặc là giá trị nội tại không tồn tại, hoặc nếu tồn tại thì phải bằng với thị giá. Bên cạnh đó, các nhà phân tích kỹ thuật cũng tập trung vào các mô hình biến động giá, tín hiệu giao dịch và các công cụ biểu đồ khác để đánh giá điểm mạnh hay điểm yếu của chứng khoán. Ba quan điểm của phân tích kỹ thuật: mọi thông tin kỹ thuật sẽ phản ánh được giá; giá vận động theo xu hướng; biến động thị trường liên quan đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Trường phái đầu tư chứng khoán nào tốt nhất?

Nhà đầu tư không thể áp dụng hết những phương thức và chiến lược kể trên, mà phải xác định cho mình một hay vài phương thức, chiến lược nhất định. Không có câu trả lời rõ ràng cho việc trường phái đầu tư nào tốt nhất bởi mỗi nhà đầu tư có một mục tiêu đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư khác nhau và việc chọn một phương thức đầu tư thích hợp cho từng cá nhân sẽ phù thuộc rất nhiều vào những điều đó.

P.C (tổng hợp)

Tin mới