(Tổ Quốc) - "Tôi nghĩ là bạn sẽ chẳng bao giờ chứng kiến một nhà máy lọc hóa dầu nào sẽ được xây mới tại Mỹ nữa đâu", CEO Michael Wirth của tập đoàn xăng dầu Chevron ngậm ngùi.
Theo tờ Washington Post, trong khi giá xăng tăng kỷ lục giúp ngành dầu mỏ Mỹ thu được lợi nhuận thì vô số các công ty lọc dầu lại đóng cửa.
Ví dụ gần đây nhất là hãng Hilco Redevelopment Partners đã đóng cửa khu lọc hóa dầu tại thành phố Philadelphia với lịch sử 150 tuổi. Hãng đã bỏ ra 252 triệu USD để mua lại khu nhà máy rộng 526ha này và biến nó thành một phức hợp công nghệ cao, có cây xanh và mang hơi hướng hiện đại để các công ty thương mại điện tử hay phòng thí nghiệm thuê lại.
Nhà máy lọc hóa dầu của Hilco đang bị dẹp bỏ
Theo CEO Roberto Perez của Hilco, hãng mua lại nhà máy hóa lọc dầu này vào năm 2020 trong một vụ phát mãi tài sản của ngân hàng. Ngành hóa lọc dầu Mỹ sau khoảng thời gian bủng nổ năm 2016 nhờ khai thác dầu đá phiến đã lâm vào cảnh phá sản hàng loạt khi giá dầu hạ thấp kỷ lục.
"Đây không phải là ngành chuyên môn của chúng tôi", ông Perez nói.
Không đáng đầu tư?
Câu chuyện của Hilco chỉ là một trong số vô vàn những nhà máy lọc dầu khác đang phải đóng cửa để chuyển mô hình kinh doanh trên khắp nước Mỹ bất chấp giá xăng cao kỷ lục. Việc bảo trì và nâng cấp quá tốn kém trong khi chính phủ khuyến khích xe điện đã làm các nhà sản xuất lẫn lọc hóa dầu từ bỏ gia tăng sản lượng bất chấp lời kêu gọi từ chính quyền Washington để hạ nhiệt giá xăng.
Việc quốc gia lọc hóa dầu lớn thứ 3 thế giới là Nga bị cấm vận trong khi hàng loạt nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã khiến chênh lệch cung cầu gia tăng mạnh, đẩy giá xăng dầu lên cao. Tuy nhiên chính phủ Mỹ lại đang đau đầu vì họ vừa phải giữ đúng cam kết theo đuổi năng lượng sạch nhưng cũng phải đảm bảo giá xăng không được quá cao nhằm chống lạm phát.
Trong 2 năm qua, 5 công ty lọc hóa dầu tại Mỹ đã phải đóng cửa dẫn đến giảm 5% sản lượng lọc dầu cũng như gây thiếu hụt hơn 1 triệu thùng xăng mỗi ngày trên thị trường. Hệ quả là các nhà máy lọc hóa dầu còn lại phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên với giá xăng tăng cao kéo theo lạm phát, Nhà Trắng lại đang gây áp lực gia tăng sản lượng, khiến ngày càng nhiều nhà máy lọc hóa dầu đóng cửa do không chịu nổi sức ép.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư đến hiệp hội lọc hóa dầu, qua đó yêu cầu họ phải gia tăng sản lượng để hạ nhiệt giá xăng. Nếu không thực hiện, Tổng thống Joe Biden đe dọa sẽ dùng quyền lực của mình để can thiệp.
"Trong thời buổi như thời chiến hiện nay, việc các nhà máy lọc dầu hưởng lợi trên mức giá xăng quá cao khiến các hộ gia đình Mỹ phải chịu thiệt là điều không thể chấp nhận được", bức thư của Tổng thống Joe Biden có ghi rõ.
Bất chấp điều đó, các hãng lọc hóa dầu chẳng quan tâm, họ vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc chỉ để ý đến lợi nhuận của cổ đông thay vì cố gia tăng sản lượng để rồi tốn thêm chi phí quá cao do lạm phát. Theo tờ Washington Post, trước khi ngành xăng dầu có lợi nhuận cao như hiện nay thì họ đã phải trải qua quãng thời gian dài chật vật. Đại dịch khiến nhu cầu xăng dầu giảm mạnh, thế rồi phong trào bảo vệ môi trường khiến xe điện lên ngôi đều khiến ngành xăng dầu lo ngại.
Sự lo lắng này khiến ngay cả khi lợi nhuận biên trên mỗi thùng dầu tăng từ 1-2 USD cách đây 1 năm lên 18 USD/thùng hiện nay thì cũng chẳng nhà đầu tư nào muốn mạo hiểm. Tại sao họ lại phải đổ hàng tỷ USD đầu tư cho 1 ngành được nhận định là sẽ bị thay thế bởi xe điện trong tương lai?
Tờ Washington Post cho hay rất nhiều nhà đầu tư hiện nay nhận định xăng dầu tăng giá chỉ là nhất thời và việc đổ quá nhiều tiền vào 1 ngành không có tương lai là không đáng.
Xin được nhắc là những lời cam kết phát triển năng lượng xanh, bảo vệ môi trưởng của Tổng thống Joe Biden vẫn còn đó, chưa kể đến xu thế chống biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh doanh nghiệp hiện nay.
Thậm chí theo Washington Post, việc gây áp lực quá mức từ chính phủ trong bối cảnh hiện nay có thể phản tác dụng, khiến các công ty dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài và khiến giá xăng tại Mỹ tăng cao hơn nữa.
"Vấn đề là tất cả các nhà máy lọc dầu đã chạy hết công suất. Chẳng còn nhiều dư địa để yêu cầu các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng thêm được nữa", giám đốc Jason Bordoff của Trung tâm chính sách năng lượng quốc tế (CGEP) nhận định.
Nỗi oan khó nói
Tờ Washington Post cho biết việc bảo trì, xây dựng hay nâng cấp một hệ thống lọc hóa dầu là vô cùng tốn kém và có thể kéo dài hàng thập kỷ, qua đó bòn rút nguồn vốn của nhà đầu tư cũng như gia tăng rủi ro trước khi kịp thu lợi nhuận.
Một nhà máy lọc hóa dầu phát nổ tại Philadelphia
"Tôi nghĩ là bạn sẽ chẳng bao giờ chứng kiến một nhà máy lọc hóa dầu nào sẽ được xây mới tại Mỹ nữa đâu... Đã 50 năm kể từ lần cuối một nhà máy lọc hóa dầu mới được xây. Trong một đất nước mà chính sách giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch được đưa ra thì chẳng ai dại gì đổ hàng tỷ USD vào đó nữa", CEO Michael Wirth của Chevron ngậm ngùi.
Hiện phần lớn trong số 129 nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ được sở hữu bởi các công ty dầu mỏ lớn như Chevron, còn lại là các hãng tư nhân nhỏ lẻ. Tại đây, dầu thô được chế biến thành xăng hay các sản phẩm liên quan như nhớt động cơ.
Lần cuối cùng một nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ được khai trương là vào năm 1977 tại Garyville. Nhà máy này có công suất lọc hóa 578.000 thùng dầu/ngày. Tuy nhiên kể từ khi nó khai trương, hơn 50% số nhà máy lọc hóa dầu khác tại Mỹ đã phải đóng cửa.
Vất vả để sống sót là vậy nhưng ngành xăng dầu Mỹ vẫn bị mang tiếng là khống chế thị trường, gây ra sự thiếu hụt để nâng giá và thu lời. Trên thực tế, các công ty xăng dầu lớn của Mỹ không hề độc quyền khai thác cũng như cung ứng. Thậm chí, nhiều cơ sở xăng dầu được chào bán đấu giá mà chẳng ai thèm mua.
"Nếu có ai đó nghĩ rằng ngành xăng dầu có tương lai thì đây sẽ là một món hời", giám đốc Jacques Rousseau của hãng nghiên cứu ClearView Energy Partners nhận định về một nhà máy lọc hóa dầu thuộc LyodellBasell được đấu giá tại Houston.
Thế nhưng chẳng có khách hàng nào thèm ngó đến lời rao bán này. Trước tình hình đó, LyodellBasell đã quyết định đóng cửa hoàn toàn nhà máy lọc hóa dầu trước cuối năm 2023. Công ty cho biết việc rời bỏ ngành xăng dầu là "chiến lược tốt nhất về tài chính cho tương lai".
Nhà máy lọc hóa dầu của LyodellBasell có sản lượng 264.000 thùng dầu mỗi ngày.
"Những nhà máy lọc dầu cũ kỹ cần được nâng cấp và sẽ phải tốn ít nhất 3 năm để bảo trì, từ các cột sắt đến những đường ống phải thay. Trong khoảng thời gian đó thì xe điện có thể đã chiếm đến 20% thị phần rồi. Bạn sẽ nhận ra mình đầu tư cả núi tiền sửa sang lại nhà máy lọc dầu vốn chẳng còn mấy tác dụng nữa", chuyên gia kinh tế Ed Hirs của trường đại học Houston nói.
Quay trở lại nhà máy lọc dầu ở Philadelphia, giống như nhiều cơ sở khác trên cả nước, khu lọc dầu này không được trang bị công nghệ để xử lý mọi loại dầu. Ví dụ nhà máy này không thể lọc dầu thô nặng từ cát của Canada, vốn đang được bán khá rẻ trên thị trường, qua đó gây khó khăn thêm về tài chính.
Thế rồi những quy định ngặt nghèo về lượng Ethanol trong xăng để bảo vệ môi trường, quy định an toàn lọc hóa dầu cùng khí thải nhà kính càng làm cho nhà máy phải vay nợ nhiều hơn dẫn đến phá sản và buộc phải phát mãi vào năm 2020.
*Nguồn: Washington Post
Huyền Băng