(Tổ Quốc) - Từng làm ăn thuận lợi, phát triển hàng chục cửa hàng nhưng một số hệ thống bán lẻ di động buộc phải trả mặt bằng, văn phòng vì dịch Covid-19.
Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nhưng các cửa hàng di động phần lớn vẫn có thể kinh doanh tương đối ổn định. Kết thúc năm 2020, tình hình kinh doanh của các hệ thống bán lẻ vẫn tăng trưởng khá tốt. Một phần vì nhu cầu người dùng tăng cao, còn lại dịch Covid-19 chỉ diễn ra từng đợt ngắn, không ảnh hưởng quá nặng nề đến kinh tế.
Bước sang năm 2021, dịch Covid-19 đã đẩy nhiều ngành nghề đến bờ vực của sự "chết chóc", trong đó có những hệ thống bán lẻ. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau khoảng hơn 4 tháng đóng toàn bộ cửa hàng, tình hình kinh doanh lao dốc không phanh, một số hệ thống bán lẻ di động buộc phải tính đến các phương pháp "cắt lỗ" mạnh mẽ.
Trả lại mặt bằng để cắt lỗ
Ông Lê Xuân Tình, đại diện hệ thống Xtmobile.
Dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh doanh hiện tại của hệ thống đóng băng, doanh thu bằng 0. Tôi thấy rằng thực trạng của mảng bán lẻ là hàng tồn kho chiếm 70% vốn, nên tiền chủ yếu nằm ở hàng hóa. Tiền mặt đã bị cạn kiệt sau hơn 2 tháng bị cấm hoạt động. Chúng tôi sẽ tìm cách vay hoặc bán rẻ các mặt hàng đang tồn kho nhằm chuyển đổi thành tiền để có phương án hỗ trợ cho nhân viên và hoạt động công ty.
Chi phí lớn nhất vẫn nằm ở tiền thuê mặt bằng và lương nhân sự. Vì thế, chúng tôi chủ yếu tập trung cắt giảm tối đa 2 vấn đề này để có thể sống sót. Hiện tại chúng tôi đã trả lại mặt bằng một cửa hàng và một văn phòng nhằm tiết kiệm chi phí. Chúng tôi có kế hoạch sẽ cắt giảm thêm 2-3 chi nhánh nếu dịch bệnh còn kéo dài. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên đang được cho nghỉ tạm thời.
Đại diện Xtmobie cho biết hệ thống này đã trả mặt bằng một cửa hàng để cắt lỗ.
Chúng tôi đã chuyển đổi sang mô hình bán trang thiết bị y tế nhưng gặp phải khó khăn là không có pháp lý để kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi không có kinh nghiệm chuyên môn dẫn đến khó xử lý các vấn đề phát sinh. Thế nên, công ty quyết định ngừng kinh doanh mặt hàng này.
Hiện tại công ty tiếp tục tăng dòng tiền bằng cách vay và cầm cố tài sản để đưa dòng tiền vào duy trì hoạt động. Chúng tôi hy vọng, đến tháng 11, tình hình kinh doanh có thể phục hồi được khoảng 70%.
Nhân viên tạm nghỉ không lương
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng phòng truyền thông hệ thống 24h Store.
Do không nằm trong nhóm sản phẩm thiết yếu nên theo chỉ thị số 10 về việc phòng chống dịch Covid-19, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ công nghệ bắt buộc phải đóng cửa. Điều này khiến nhiều cửa hàng bán điện thoại, phụ kiện gặp không ít khó khăn.
Doanh thu của hệ thống dường như bằng 0 từ khi thực hiện theo chỉ thị của chính phủ. Việc đóng cửa tất cả chi nhánh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy tình hình kinh doanh rơi vào trạng thái “đóng băng”.
Hệ thống 24h Store cho một số nhân viên nghỉ tạm thời, không lương.
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chủ trương không cắt giảm nhân sự. Thay vào đó, công ty thực hiện chính sách cho tạm nghỉ không lương đối với những bộ phận không hoạt động được như tư vấn bán hàng tại quầy, kỹ thuật sửa chữa. Một số bộ phận như trực tổng đài, marketing vẫn làm việc tại nhà để duy trì hệ thống với mức lương còn 70%.
Khi chưa có bất kỳ tín hiệu nào khởi sắc cho việc kinh doanh trở lại thì hệ thống vẫn đành "ôm cú đấm bồi" trong chi trả tiền lương, tiền mặt bằng và tiền hệ thống server, web, hệ thống nhân sự .... “cố trụ” cho tới khi dịch Covid-19 lắng xuống.
Tuy nhiên, nếu tình hình xấu hơn hơn qua tháng 10, tháng 11 thì hệ thống sẽ buộc phải cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Cụ thể công ty sẽ đóng cửa và trả một số mặt bằng có phí thuê cao. Đồng thời, toàn bộ nhân viên sẽ nghỉ không lương.
Thị trường trong giai đoạn cuối năm sẽ rất khó dự đoán nhưng hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, người dùng có xu hướng "mua sắm bù", doanh nghiệp sẽ sinh tồn và phát triển trở lại.
Giảm 20-70% lương nhân sự, cấp càng cao càng giảm mạnh
(Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS)
Trước dịch, chi phí thuê mặt bằng của chúng tôi chiếm tầm 4% doanh thu. Hiện tại tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, giá thuê đã được đối tác điều chỉnh nhưng cũng chiếm khoảng 10% doanh thu.
Ưu tiên hàng đầu của công ty vẫn là cắt giảm các chi phí ở mức tối đa như điều chỉnh các hoạt động trong công ty, làm việc với đối tác, chủ mặt bằng để giảm tiền thuê.
Nhu cầu mua các mặt hàng phục vụ cho công việc học tập ở nhà khá cao nhưng việc giao hàng khó khăn nên doanh thu rất thấp. Hầu hết các đối tác giao hàng gặp vấn đề quá tải. Vì thế, các đơn hàng nếu có được nhận về thì cũng nằm lại tại kho hàng của bên vận chuyển.
Các hệ thống bán lẻ di động đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Do doanh số sụt giảm nhiều và các cửa hàng không còn được mở cửa, đa số nhân sự bị nghỉ việc ở nhà. Đối với những nhân viên không làm việc trong thời gian này, công ty có hỗ trợ một phần lương. Đối với những nhân sự vẫn làm việc duy trì doanh số còn lại thì thu nhập cũng giảm từ 20- 70% ở một số vị trí. Nhóm quản lý cấp càng cao thì thu nhập giảm càng nhiều để hỗ trợ cho nhóm có thu nhập thấp hơn.
Một số ngành hàng không phù hợp với hoạt động bán hàng online thì chúng tôi cắt chi phí quảng cáo truyền thông chờ tới thời điểm thành phố hết giãn cách. Do dịch ảnh hưởng tới toàn bộ ngành hàng nên việc xả tồn cũng không thể thực hiện được dễ dàng.
Hầu hết các hoạt động cắt giảm chi phí có thể đã được thực hiện trong 2 tháng vừa qua. Chúng tôi vẫn hy vọng thành phố sẽ kiểm soát được dịch trong tháng 9 và các cửa hàng có thể mở vào đầu tháng 10. Thời điểm cuối năm vẫn được kỳ vọng với sự ra mắt của một loạt sản phẩm mới đến từ Samsung, Apple giúp cho hoạt động kinh doanh sôi động hơn. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn không tiến triển tốt, chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp cắt giảm chi phí ở mức mạnh mẽ hơn để có thể tồn tại qua dịch.
Song Tử