(Tổ Quốc) - Với nhiều nhà đầu tư, đất đấu giá là “miếng bánh ngon” không bao giờ là bài toán kinh doanh thất thu. Thực tế, ngay sau phiên đấu giá, không ít nhà đầu tư ngay lập tức đã rao bán chênh đến hàng trăm triệu đồng.
Mới đây nhất, phiên đấu giá tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) gây xôn xao dư luận nhờ quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 9000 hồ sơ tham gia cho hơn 800 lô đất liền kề.
Trong phiên đấu giá, mức giá khởi điểm chỉ từ 5-8 triệu đồng/m2 đã được đẩy lên tới 13 - 37 triệu đồng/m2, tức một số lô đẹp được "định giá" lại gần gấp 5 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý hơn đó là ngay sau phiên đấu giá kết thúc, nhiều môi giới đã rao bán đất nền tại nơi đây với giá cao gấp đôi, gấp ba so với giá đã trúng. Trước đó cũng ghi nhận tình trạng nhiều môi giới đã rao bán suất đất đấu giá.
Sau phiên đấu giá, nhiều lô đất tại Hồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên đã được rao bán.
Không chỉ ở Thái Nguyên, phiên đấu giá tại Mê Linh (Hà Nội) vào ngày 27/6 vừa qua cũng thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Một số lô đất được trả giá cao gấp 2, 3 lần so với mức giá khởi điểm. Các lô ở đường lớn có mức giá khởi điểm 16,1 triệu đồng/m2 nhưng được nhà đầu tư trả tới 32-37 triệu đồng/m2. Lô đất nằm ở trong mặt đường thôn xóm có mức giá khởi điểm 10 triệu đồng/m2 nhưng sau đấu giá cũng lên tới 19-30 triệu đồng. Tương tự như tình trạng xảy ra ở Thái Nguyên, nhiều nhà đầu tư đã rao bán lô đất này với mức giá chênh lên tới 200 triệu đồng/lô ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc.
Tại Hải Dương, trước đó cũng nhiều cuộc đấu giá đã diễn ra thành công và ghi nhận mức giá trúng cao hơn khoảng 60% so với thời điểm. Một nhà đầu tư tại Hải Dương cho biết, sau khi đấu giá thành công, đa phần các lô đất đã được rao bán ngay, chênh từ 100-150 triệu đồng/ lô.
Nhiều lô đất đấu giá tại Hải Dương được rao bán với mức chênh 100-150 triệu đồng ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc.
Theo ông Phạm Lập, một nhà đầu tư lâu năm, tiết lộ, câu chuyện rao bán chênh giá tiền lô đất ngay sau khi chốt xong là điều hoàn toàn tự nhiên vì đa phần những người tham gia đấu giá đều có chung mục đích, mua rẻ bán lời. Rất hiếm người tham gia đấu giá đất để phục vụ cho nhu cầu ở thực.
"Nhiều nhà đầu tư thích đất đấu giá bởi 2 điểm. Một là đất đấu giá đa phần đều nằm ở vị trí đẹp, đường lớn ô tô có thể đi vào. Quy hoạch tại khu đất đấu giá về cơ bản sẽ được đầu tư hạ tầng tốt. Nhìn chung, đây sẽ là các lô đất đẹp, đáp ứng nhu cầu ở thực của nhiều người dân.
Hai, mức giá khởi điểm của đất đấu giá thấp và nhà đầu tư có thể chi trả một mức vốn hợp lý cho lô đất đẹp. Thế nên, nhà đầu tư mua xong và rao bán là điều hiển nhiên vì đất đấu giá luôn được nhiều người quan tâm".
Ông Lập cũng kể lại, không chỉ có những lô đất đấu giá mà địa phương công bố, một số nhà đầu tư còn săn lô đất đẹp mà các ngân hàng phát mãi.
"Một người bạn của tôi từng có lô đất đẹp hơn 200m2 tại Sóc Sơn, Hà Nội. Mảnh đất này trở thành tài sản thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, không trả được nợ, ngân hàng phát mãi tài sản này. Mức giá ngày đấu giá chào bán là 1,01 tỷ đồng. Sáng đấu giá thành công, chiều môi giới đã rao bán 1,4 tỷ đồng".
Tuy nhiên ông Lập cũng cho biết thêm: "Không phải nhà đầu tư nào được quyền tham gia đấu giá đất và cũng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đấu giá thành công. Đa phần đều phải có thông tin mật và mối quan hệ thân thiết, nhà đầu tư mới dành được suất đấu giá".
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lý giải về sức nóng của các phiên đấu giá đất. Theo ông Đính, nhiều thương vụ đấu giá đất thành công trong thời gian vừa qua là do chính quyền đã đưa ra nhiều phương án để nâng cao giá trị các khu đất.
Bên cạnh đó, các khu đất đem ra đấu giá đều có hồ sơ quy hoạch chi tiết, quy hoạch giao thông, xây dựng được cập nhật đầy đủ và đúng phương án đã được phê duyệt. Do đó, nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng, lợi thế và đấu giá "sát sườn", đúng với giá trị của các khu đất. Việc đấu giá cũng được thông tin rộng rãi nên nhiều nhà đầu tư đến tham gia.
Tuệ Minh