(Tổ Quốc) - Giàu có thường không đến trong một đêm, dù có núi vàng núi bạc mà không biết tính toán thì cũng coi như trắng tay.
Cuộc sống là chuỗi phát triển, ai cũng muốn bản thân được tiến bộ hơn về nhiều mặt, trong đó bao gồm cả tài chính. Ai cũng khao khát có được một thu nhập ổn định, nguồn tài chính dồi dào. Nhưng đa số mọi người vẫn chưa cách tự định hướng cho mình, đang loay hoay, bối rối đi tìm lời giải đáp, một trong số đó là cách “quản lý tài chính”. Bất kể bạn là ai, bạn đang có trong tay bao nhiêu tiền, nhưng việc có nhiều của cải và vật chất hơn luôn là mục tiêu của mọi người.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa có cách nhìn tích cực, luôn đánh giá thấp khả năng của bản thân, chẳng hạn như: Lương thấp quá, chi tiêu không hết thì lấy đâu ra tiền để xoay sở quản lý tài chính; quản lý tài chính là việc của những người giàu có...
Trước hết, tạm gác những suy nghĩ tiêu cực đó sang một bên, và bắt đầu với lý thuyết cơ bản đơn giản nhất. Những quy tắc quản lý chi tiêu vận hành cuộc sống tuy đơn giản nhưng để làm quen và duy trì thì không dễ chút nào.
Việc lập danh sách và hoạch định các khoản chi tiêu không phải là một điều dễ dàng, bởi vì bạn sẽ phải đối mặt với những con số vượt ngoài kế hoạch. Nhưng nếu làm đúng, công sức bỏ ra chắc chắn xứng đáng. Việc lập danh sách không chỉ giúp bạn tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết mà còn giúp hình thành tư duy dòng tiền tích cực.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Đầu tiên, hãy tính xem bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, bao gồm tiền lương và các khoản thu nhập hàng. Tiếp theo, tính toán các khoản chi tiêu, bao gồm các các hóa đơn và biên lai, cho dù đó là thanh toán bằng tiền mặt hay mua thẻ tín dụng và theo dõi mọi chi phí. Chia chi tiêu của bạn thành ba loại: Cố định, trách nhiệm và linh hoạt.
Chi phí cố định là những chi phí không thay đổi theo từng tháng, có thể bao gồm tiền thuê nhà ở, phí bảo hiểm,.... Cộng tất cả các chi phí này và chia cho 12 để có kết quả.
Các chi phí trách nhiệm là số tiền như chăm sóc cha mẹ, học phí của con cái, hóa đơn điện thoại di động, tiện ích, trả nợ thẻ tín dụng, ăn uống và đi lại…
Tiếp theo là các khoản chi ngoài hay còn gọi là chi phí linh hoạt, bao gồm số tiền phải trả cho dịch vụ giải trí, quần áo, mua sách, khám bệnh, thăm hỏi người ốm... Ngoài ra còn có các kỳ nghỉ dưỡng và quà tặng cho những ngày lễ đặc biệt. Khi bạn đã liệt kê tất cả những điều này, bạn sẽ biết tiền của mình đang đi đâu.
1. Chi phí phải ít hơn thu nhập
Bí quyết tiết kiệm tiền được nhiều người thừa nhận thực ra chỉ có một: Giảm chi tiêu hàng tháng sao cho hơn thu nhập của bạn.
Thứ nhất, hãy theo dõi danh sách các khoản thu chi, nếu bạn đang tiêu tiền nhiều hơn số tiền kiếm được, bạn cần đưa ra cho mình một cảnh báo. Bạn có thể thay đổi điều này bằng cách bắt đầu chi tiêu linh hoạt vì đó là cách dễ thực hiện nhất như giảm số lần tiêu dùng dịch vụ không cần thiết.
Thứ hai, giảm chi tiêu trách nhiệm. Bạn có thể đi xe buýt, đi bộ, hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác thay vì đi taxi để tiết kiệm chi phí. Thử đăng ký các gói cước điện thoại hàng tháng để được hưởng các ưu đãi giá rẻ hơn cho cùng một lần sử dụng dịch vụ. Hay như việc lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều điện năng, vừa bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Nếu chi phí hàng ngày nhiều hơn tất cả các nguồn thu nhập cộng lại, bạn phải cân nhắc thay đổi lối sống và phương pháp chi tiêu của mình. Bạn có thể thuê một căn hộ nhỏ hơn hoặc bán bớt một số đồ dùng của mình nếu không cần thiết. Hãy nhớ rằng, mục đích của việc lập danh sách quản lý chi tiêu và doanh thu là giúp bạn tiết kiệm tiền.
2. Kế hoạch 50-30-20
Theo bạn, tiết kiệm bao nhiêu là phù hợp? Tất nhiên hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, bạn có thể độc thân hoặc đã kết hôn, có hoặc không có con, sống với cha mẹ hoặc tự thuê nhà. Thông thường bạn cần tiết kiệm 10% đến 15% tiền lương sau khi trừ các khoản chi cố định như thuế thu nhập hay phí bảo hiểm. Rõ ràng, điểm mấu chốt là tiết kiệm được càng nhiều thì càng tốt.
Nếu bạn không có nhiều thu nhập, hãy thử phương án 50-30-20 do giáo sư Elizabeth Warren của Harvard đề xuất. Cô ấy tin rằng các chi phí cố định và có trách nhiệm của bạn nên bằng một nửa thu nhập sau thuế của bạn, tức là 50%; 30% còn lại là linh hoạt và 20% cuối cùng nên được tiết kiệm.
Đối với những người có thu nhập cao hơn, tỷ lệ tiết kiệm cần được điều chỉnh hợp lý.
3. Tiết kiệm trước, đầu tư sau
Hãy biến việc tiết kiệm thành thói quen suốt đời mà bạn cần chú trọng. Tiết kiệm tiền không chỉ dành cho những trường hợp khẩn cấp, mà là số tiền đó bạn có thể đầu tư để sinh lời, chẳng hạn như đầu tư.
Chúng ta thường có thói quen chi tiêu trước và tiết kiệm phần còn lại. Nhưng những người thông minh lại không làm như vậy. Hãy mở tài khoản ngân hàng và gửi tiền lương hàng tháng của bạn vào đó. Đến lúc cần thiết, bạn đã có sẵn số tiền đó mà không phải lo chạy vạy để vay mượn.
Hãy nhớ dành một số tiền để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như ốm đau hay những việc trọng đại. Tầm quan trọng của khoản tiền này tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người và bạn có thể chuẩn bị cho quỹ bằng chi phí sinh hoạt từ 6 đến 12 tháng. Hãy nhớ rằng, số tiền này được gửi trong một tài khoản dễ dàng truy cập.
Khi bạn đã có quỹ khẩn cấp, bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch cho các mục tiêu tiết kiệm trung và dài hạn của mình. Tất nhiên, do lãi suất có nhiều biến động trong thời gian gần đây nên bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian gửi.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
4. Đừng quên đầu tư
Mục đích cuối cùng của việc gửi tiền là để đầu tư và kiếm tiền để tiếp tục đầu tư. Nếu bạn chỉ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, với mức lãi suất thấp và tình trạng lạm phát như hiện nay, tiền của bạn sẽ bị mất giá. Vậy câu hỏi đặt ra là đầu tư vào đâu?
Các lĩnh vực phổ biến nhất để đầu tư bao gồm bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu. Nếu bạn đang đầu tư vào bất động sản, bạn sẽ cần một số vốn khởi nghiệp lớn, vì vậy bạn phải xem xét cẩn thận xem điều này có phù hợp với bạn hay không. Ngược lại, đầu tư cổ phiếu và trái phiếu sẽ ít rào cản hơn.
Các nhà đầu tư thành công không tự nhiên được sinh ra. Họ bước ra từ quá trình trải nghiệm và tự rèn luyện. Để trở thành nhà đầu tư thông thái và lâu dài, bạn phải tạo động lực cho bản thân hứng thú với việc học đầu tư. Nếu bạn còn trẻ, việc đầu tư được bắt đầu càng sớm càng tốt. Đó sẽ là một quá trình từ đầu tư đến chấp nhận rủi ro, và gặt hái thành công. Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn chưa từng bắt đầu, khi chưa thử, sao biết mình không đủ khả năng?
Theo Aboluowang
Thùy Anh