(Tổ Quốc) - Điều kiện sống được cải thiện đã làm cho nhiều người có thói quen xấu trong chế độ ăn uống và sinh hoạt, hình thành các bệnh mãn tính, đặc biệt là tiểu đường với tỷ lệ mắc bệnh gia tăng ở mức độ báo động. Dưới đây là những thói quen cần loại bỏ để nói “không” với căn bệnh này.
Bên cạnh nguyên nhân di truyền, tiểu đường còn hình thành do các thói quen sinh hoạt phản khoa học. Đây là bệnh chuyển hóa không thể chữa khỏi hoàn toàn, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh phải điều trị lâu dài bằng thuốc hoặc insulin.
Người mắc bệnh tiểu đường cũng rất cần chú trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế đồ ngọt hết mức có thể và thay thế bằng những loại quả "thần dược" để duy trì và ổn định lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, điều chỉnh những thói quen nhỏ vào buổi trưa cũng góp phần thay đổi tình trạng của người bệnh.
2 "không làm" vào buổi trưa
1. Không làm việc, hãy nghỉ ngơi
Đừng để bản thân bận rộn đến mức không thể nghỉ trưa đàng hoàng. Một người bình thường nên nghỉ ngơi từ 10 đến 20 phút, và bệnh nhân đái tháo đường càng nên chợp mắt tầm 30 phút vào buổi trưa để giúp cơ thể tỉnh táo, hồi lại sức và có trạng thái tốt nhất để sinh hoạt và làm việc hiệu quả. Thời gian ngủ trưa ngắn còn tránh được tình trạng lờ đờ, mệt mỏi sau khi ngủ dậy nếu lỡ sa vào giấc ngủ quá sâu và lâu.
2. Không ăn vội vã
Nên loại bỏ thói quen ăn vội vàng vào bữa trưa. Nhiều người có nhịp sống rất nhanh và công việc bận rộn đến mức không có đủ thời gian để ăn trưa. Những người này, trong quá trình ăn uống thường xuyên nuốt vội thức ăn mà không nhai kịp kỹ. Hành động này không chỉ là nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì mà còn khiến cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả, lâu dần sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường. Do đó, bản thân bệnh nhân tiểu đường phải nhớ nhai chậm trong quá trình ăn, hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều tinh bột và thay bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt để đường huyết ổn định hơn.
3 loại thức ăn nên ít "đụng" vào ban đêm
1. Đồ ngọt
Các bệnh nhân tiểu đường cần phải kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn chứa nhiều đường trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, việc hấp thụ đồ ngọt vào ban đêm cũng không tốt cho giấc ngủ và làm tăng khả năng biến chứng của bệnh tiểu đường.
2. Đồ ăn cay
Không chỉ có đồ ngọt, đồ ăn cay cũng là thứ mà người mắc bệnh tiểu đường cần phải hạn chế hấp thụ. Loại thức ăn này khi vào cơ thể sẽ kích thích dạ dày, đồng thời khiến các cơ quan khác phải hoạt động mạnh về đêm, không có lợi cho sự ổn định của đường huyết.
3. Thức ăn nhiều dầu mỡ
Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ sau khi vào cơ thể lâu ngày sẽ tích tụ một lượng lớn nhiệt lượng và chất béo khiến đường huyết bị rối loạn, đồng thời làm tăng gây áp lực lên đảo tụy cũng như chồng thêm gánh nặng cho hoạt động của dạ dày. Vì vậy, nếu ăn đêm, tốt nhất nên chọn một số thức ăn nhẹ như rau củ quả tươi, cá hoặc thịt gà sẽ có tác dụng hạ đường huyết hơn.
Không chỉ là căn bệnh thường thấy ở người già, ngày nay tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày cũng như để lại biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Để cải thiện tình trạng này và phòng tránh các hậu quả về sau, bác sĩ khuyên mỗi người nên thường xuyên ăn 3 loại quả là "khắc tinh" của bệnh tiểu đường sau đây:
1. Táo
Các nghiên cứu đã chỉ ra táo có khả năng ngăn ngừa và cải thiện bệnh tiểu đường rất tốt. Trong loại trái cây này có chứa hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa, flavanoid (một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật) và vitamin C cao, không chỉ giúp giải độc cơ thể mà còn làm giảm nhu cầu insulin của bệnh nhân tiểu đường lên đến 35%. Ngoài ra, táo còn như một loại "quả thần" khi có nhiều tác dụng khác như giúp phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến, giảm nguy cơ ung thư cũng như tránh các bệnh về mắt.
2. Bí ngô
Dinh dưỡng trong bí ngô rất phong phú, bao gồm nhiều loại nguyên tố vi lượng và một số pectin (hợp chất tự nhiên có nhiều trong màng tế bào của các loài thực vật bậc cao, phân bố chủ yếu ở các bộ phận như quả). Những thành phần này có khả năng giúp bệnh nhân tiểu đường cải thiện tình trạng thiếu hụt và ổn định bài tiết insulin. Mặt khác, hàm lượng lutein và zeaxanthin cao trong bí ngô cũng có tác dụng ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng về mắt của bệnh tiểu đường.
Có thể chế biến bí ngô bằng nhiều cách như nấu cháo, xào tỏi hoặc hấp, ăn thường xuyên sẽ hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu.
3. Mướp đắng
Một số thành phần trong mướp đắng có tác dụng giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả. Những chất trong loại quả này cũng có tác dụng sinh học tương tự các tế bào insulin, giúp điều hòa lượng đường trong máu, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Bên cạnh phương pháp nấu chín, có thể cắt lát mướp đắng và ngâm thành nước uống, cũng là một bài thuốc tốt để chữa bệnh tiểu đường.
Bên cạnh 3 loại quả kể trên, những người có đường huyết bất thường cũng có thể thay thế cơm trắng bằng bột yến mạch để điều chỉnh lượng đường trong máu phù hợp. Ngoài ra, cần chú ý chế độ ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều hay quá ít kết hợp với kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể. Những thói quen này hình thành một thời gian sẽ giúp cho đường huyết ổn định hơn.
(Theo 163.com)
Ánh Lê