(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng, việc Bộ Xây dựng đưa ra phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn đã làm xã hội lo lắng, tác động đến tâm lý của người dân “kinh khủng”. Bên cạnh đó, vị này cũng đặt câu hỏi: Có cấp bách phải sửa luật hay không?
Tại dự thảo Luật Nhà ở 2013 sửa đổi do Bộ Xây dựng soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời hạn sử dụng nhà chung cư. Đáng chú ý, phương án thứ nhất quy định cụ thể thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo đó, nhà chung cư được quy định cụ thể về thời hạn sở hữu căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình (50 năm, 70 năm). Hết thời hạn sử dụng này, có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền nhà chung cư không còn sử dụng được thì chấm dứt quyền sở hữu nhà ở chung cư, các chủ sở hữu thực hiện phá dỡ, xây dựng lại nhà ở.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng việc Bộ Xây dựng đưa ra phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn đã làm xã hội lo lắng, tác động đến tâm lý của người dân “kinh khủng”.
“Chúng ta có quyền đặt câu hỏi: nếu quy định này được thông qua có làm lợi cho các dự án phân lô bán nền, dự án nhà phố, dự án nhà biệt thự hay không? Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư phân khúc này đẩy giá lên, bán được nhiều hơn không? Bộ Xây dựng nói sẽ áp dụng đối với dự án mới. Như vậy quản lý sẽ không nhất quán”, ông Châu đánh giá và đặt câu hỏi, có cần thiết, cấp bách phải sửa luật hay không?
Tham khảo kinh nghiệm chính sách phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) quy định thời hạn sở hữu căn hộ HDB trong 99 năm. Hiệp hội nhận thấy, việc quy định thời hạn sở hữu căn hộ HDB trong 99 năm nhằm giúp cho Chính phủ Singapore dễ dàng thực hiện tái sử dụng đất để chỉnh trang tái thiết, tái phát triển đô thị và chỉ áp dụng cho loại nhà HDB do Nhà nước đầu tư.
Do đó, đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư như Điều 9 dự thảo đề cương luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị giữ nguyên các quy định về quyền sở hữu nhà ở, sở hữu nhà ở có thời hạn đã được quy định tại Điều 4; Khoản 1 Điều 5; Khoản 2 Điều 9; Điều 99; Khoản 1 Điều 123 luật Nhà ở 2014.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng đã kiến nghị, tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn 50 năm (50 năm, 70 năm)” để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Theo HoREA, người dân mong muốn được “sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài”, là tài sản có giá trị cao để lại cho con cháu, để không gây “biến động” trên thị trường bất động sản và trong xã hội.
Việc xử lý nhà chung cư hết “tuổi thọ”, “nguy hiểm” cho người sử dụng thì thực hiện theo cơ chế chính sách quy định tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ “về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” (có tính khả thi).
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, thực ra, Luật Nhà ở 2014 đã quy định 02 chế độ sở hữu nhà ở là chế độ sở hữu nhà ở không xác định thời hạn (bao gồm sở hữu căn hộ nhà chung cư) gắn liền với quyền sử dụng đất “ổn định lâu dài”; hoặc chế độ sở hữu nhà ở có thời hạn (bao gồm sở hữu căn hộ nhà chung cư) gắn liền với quyền sử dụng đất “có thời hạn”. Nhưng Luật Nhà ở 2014 không quy định bắt buộc “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn”.
Theo ông Châu, vấn đề quy định bắt buộc “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” áp dụng cho các dự án xây dựng nhà chung cư mới trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động thật thấu đáo và cần lấy ý kiến người dân là đối tượng chính bị tác động.
Tuy nhiên, cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà chung cư theo hình thức đầu tư dự án “căn hộ dịch vụ (serviced apartment)” như hiện nay với thời hạn sở hữu căn hộ theo thời hạn dự án, phổ biến là 50 năm có giá bán chỉ bằng 70~80% giá căn hộ sở hữu vĩnh viễn, để khách hàng lựa chọn và làm quen với sản phẩm căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn.
Minh Tâm