(Tổ Quốc) - Người dân Sài Gòn mùa cách ly có xu hướng lựa chọn các món ăn thân thuộc hàng ngày. Đặc biệt, trong số 10 loại thực phẩm bán chạy nhất qua mạng tháng vừa qua, ⅔ sản phẩm đều liên quan đến gạo và sữa.
Món ăn hàng ngày và bổ sung dinh dưỡng chiếm nhiều ưu thế trong giỏ hàng
Gần 1 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP. HCM, những buổi hẹn ăn trưa và nhậu sau giờ làm của anh Thành Trung (26 tuổi, quận Bình Thạnh) đã được thay bằng các suất ăn đặt về. Sống một mình tại căn chung cư, bận rộn việc cơ quan, liên lạc "con người" nhất của anh là những shipper giao đồ ăn. Anh Trung chia sẻ: "Lúc trước mình chỉ đặt đồ ăn về khi có dịp tụ tập bạn bè thôi, còn đâu sẽ ăn ngoài. Giãn cách và làm ở nhà nên cứ sáng, trưa, chiều, tối là tôi lại đặt các món ăn theo bữa về".
Đợt giãn cách đã dẫn đến nhu cầu tăng cao với các dịch vụ giao thức ăn, đi chợ hộ
Không chỉ riêng anh Trung, các món ăn cơ bản cũng là lựa chọn hàng đầu của người trẻ Sài Gòn làm việc tại nhà. Theo số liệu từ GrabFood, những món ăn như cơm, phở, và sữa (trà sữa, sữa chua) luôn nằm trong top 10 sản phẩm được đặt nhiều nhất trong thời gian từ 30/5 đến nay.
Trong khi đó, chị Thiên Thanh (24 tuổi, quận Tân Bình) lại thường đặt món cho bữa xế do "quen với nếp sống đi làm văn phòng" và được khuyến khích bởi "các chương trình giảm giá trên các nền tảng trực tuyến". Các món ăn vặt như bánh tráng trộn cũng là lựa chọn hàng đầu của người dân Sài Gòn cho các khung giờ 2 - 4h chiều.
Ngoài các suất ăn cơ bản hàng ngày, người dân tại TP. HCM cũng tìm đến các "chợ online" với tâm lý tích trữ đồ khô và tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Riêng trên GrabMart, các sản phẩm mì tôm, trái cây và sữa đã chiếm hơn 75% trong tổng số 10 mặt hàng bán chạy nhất tháng vừa qua. Trong khi các kênh giao hàng của BigC, Co.op hay VinID tận dụng được sẵn nguồn hàng tại BigC, Co.op Mart và VinMart, các ứng dụng như Now Fresh, Be đi chợ hay GrabMart lại phát triển dựa trên nguồn kết nối phong phú từ cửa hàng cho đến chợ truyền thống, làm phong phú hơn những lựa chọn cho người dân thành phố.
Lý giải xu hướng thực phẩm thời cách ly
Chỉ thị 10 của Chính Phủ đã khiến cho các chợ tự phát bị tạm ngưng và hạn chế việc ra vào tại các chợ truyền thống bị hạn chế. Ngoài ra trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhiều ổ dịch tại các chợ đầu mối, người dân phải hạn chế ra đường ở mức tối đa. Việc này đã dẫn đến mức chi dùng các sản phẩm dịch vụ và ăn uống tại nhà của người dân TP.HCM tăng cao hơn. Điều này lý giải vì sao có sự bùng nổ trở lại của các loại hình giao đồ ăn và đi chợ online.
Dịch khiến cho nhiều khu chợ phải đóng cửa hoặc hạn chế số người ra vào
Chị Ngọc (34 tuổi, quận Gò Vấp) nhận xét: "Đợt cách ly này rơi vào đúng đợt nghỉ hè của hai bé nhà mình. Vừa phải làm việc từ xa và vừa chăm con, mình thường đặt mua thực phẩm qua mạng để tiết kiệm thời gian, tránh ra đường để giữ an toàn cho bản thân và gia đình."
Sự lên ngôi của các sản phẩm ăn liền và các món cơm phở cũng là kết quả của bộ phận lớn những người trẻ đô thị làm việc và học tập tại nhà. Nguyên nhân của hành vi này đến từ sự tiện lợi, thậm chí nhiều ứng dụng còn cho phép hẹn giờ giao đồ ăn đến nhà theo bữa.
Ngoài ra, dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn – đó là gia tăng chi tiêu hàng tháng vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cụ thể là xu hướng ăn sạch. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng trên 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các món ăn, đồ uống có nguồn gốc tự nhiên. Top các thực phẩm nhiều được mua sắm trên GrabMart như sữa dành cho trẻ em, người già cũng xuất phát từ sự quan tâm dành cho nhóm đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất trong gia đình.
Ánh Dương