(Tổ Quốc) - Thay vì bỏ ra hàng chục tỷ cho căn biệt thự đắt đỏ, một lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội tiết lộ, phải có cách xuống tiền thông minh. Chẳng có ai dại bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua trọn một căn biệt thự.
Anh N.N (Long Biên, Hà Nội) hiện đang sở hữu một căn biệt thự trị giá hơn 150 tỷ đồng với diện tích gần 400m2. Căn biệt thự này được anh N. mua cách đây 7 năm với mức giá hơn 30 tỷ đồng. Đến năm 2018, căn biệt thự của anh N. được định giá lên tới 70 tỷ đồng.
"Tôi hiện đang ngồi trên đống tài sản lớn. Nhưng thú thật, tôi chẳng có ý định bán vì tôi cũng đâu cần tiền mà bán", anh N. nói.
Thay vì bỏ ra hơn 30 tỷ tiền mặt để mua một căn biệt thự, nhiều người lựa chọn vay ngân hàng.
Theo chia sẻ của anh N., năm 2015, quyết định mua căn biệt thự này của anh từng bị người thân phản đối vì giá quá cao, lại nằm ở khu vực cách xa trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, với anh, lựa chọn một căn biệt thự tốt nằm trong khu dân cư văn minh là điều cần ưu tiên cho gia đình.
Khi chia sẻ về tài chính mua biệt thự, anh N. bật mí: "Cách đây 7 năm, dù có thể gom được số tiền nhưng tôi không lựa chọn nộp đủ hơn 30 tỷ đồng để mua một căn biệt thự. Ngay cả nhiều người giàu khu tôi, thời điểm họ mua biệt thự, cũng hiếm khi họ đưa ra phương án nộp đủ số tiền để trở thành chủ nhân căn biệt thự".
"Tôi sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng để vay hơn 10 tỷ còn lại. Nếu nói con số hơn 10 tỷ khi đó, đúng thật là rất lớn. Nhưng lại có giá trị đầu tư tốt", anh N. cho hay.
Lý giải về quyết định vay vốn ngân hàng để mua biệt thự, anh N. phân tích, thứ nhất, ở góc độ là nhà đầu tư như anh, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là cách "dụng" vốn hiệu quả. Số vốn còn lại, anh N. sử dụng đầu tư cho công việc, tạo ra giá trị sinh lời khác.
Anh N. thừa nhận rằng, việc vay hơn 10 tỷ đồng để mua căn biệt thự ở dù là mạo hiểm, rủi ro nhưng là động lực và bước đệm để con người vượt qua ngưỡng, ranh giới an toàn và tự do tài chính.
"Hãy hình dung như thế này, tâm lý con người ai cũng sợ vay nợ. Đầu tiên, họ lo sợ, không biết có trả được nợ không? Sau đó, họ lo ngại, kinh tế khó khăn, thu nhập sẽ không được như trước, nguy cơ khó trả được nợ dễ xảy ra? Lo sợ đó là điều hoàn toàn đúng. Tôi cũng vậy.
Nhưng nếu không có động lực thì không thể phấn đấu. Vì theo nguyên tắc, tiết kiệm = thu nhập – chi phí. Nhưng thực tế, chi phí luôn tăng theo cùng với thu nhập. Con người có xu hướng, thu nhập càng cao, chi phí càng nhiều. Chi phí của gia đình có xu hướng gia tăng theo thời gian mà hiếm khi giảm. Vậy nên, nếu không có một động lực nào trả nợ, càng thu nhập cao, bạn càng tiêu nhiều mà thực ra cuối cùng chẳng tiết kiệm là bao nhiêu.
Vậy làm thế nào? Hay coi khoản tiết kiệm chính là đầu tư. Nếu vay ngân hàng, số tiền mà bạn phải trả hàng tháng chính là khoản tiền để trả cho đầu tư (mua căn biệt thự, là đợi chờ giá tăng, đầu tư cho cuộc sống gia đình) hay nói cách khác là tiết kiệm. Khoản này cố định. Vậy để chi trả được khoản này, bạn phải gia tăng thu nhập và giảm chi phí. Muốn tăng thu nhập thì phải nỗ lực làm nhiều việc khác nhau, nghĩ ra nhiều cách kiếm tiền. Muốn tiết kiệm chi phí thì hạn chế tiêu vào những hạng mục không cần thiết", anh N. phân tích.
Cũng theo anh N, thông thường, giai đoạn trả nợ đó rất vất vả, không hề dễ dàng. Đó là khoảng thời gian áp lực, vì đầu óc chỉ nghĩ tới nợ. Nhưng nếu vượt qua khoảng thời gian đó, tư duy của mỗi người về tài chính sẽ thay đổi.
"Tôi đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó. Dù sống trong căn biệt thự nhưng cũng từng đau đầu vì nợ nần. Cuối cùng, hai vợ chồng đồng lòng cố gắng vượt qua. Mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. Đó cũng là cách tôi đầu tư, gia tăng tích luỹ tổng tài sản", anh N. nhấn mạnh.
Hải Nam