(Tổ Quốc) - So với mức giá bỏ ra thời điểm đỉnh sốt hơn 10 năm trước, những lô đất khu vực vùng ven Hà Nội đã chênh giá từ 50-100%. Nhiều nhà đầu tư tay ngang từng lãng quên mảnh đất, giờ bất ngờ khi môi giới gọi điện mua hàng liên tục.
Đã từng tưởng rằng, hàng tỷ đồng sẽ mãi chôn vốn ở nơi từng rơi vào cảnh "người mua và bán không cần nhìn đất và giá" thì đến nay, không ít những nhà đầu tư tay ngang cách đây hơn 10 năm đã có thể ung dung chuyển nhượng, chốt lời từ 50-100% so với trước đây.
Quên đất, bất ngờ môi giới gọi liên tục
Hàng xóm lâu năm xung quanh nhà bà O. (Hà Nội) vẫn thường kháo nhau rằng: "Nhà bà O. giàu lắm. Ăn ba đời cũng chẳng hết đất." Nhiều người còn nghĩ bà O. là dân buôn đất chuyên nghiệp vì hơn 10 năm về trước, bà từng sở hữu cả tệp dầy những quyển sổ đỏ.
Chia sẻ với PV, bà O. cười bảo: "Hồi ý, tôi chỉ có chừng hơn 20 sổ đỏ, không nhiều nhặn gì. Bây giờ tiêu hoang, bán bớt nên còn một ít để phòng thân và cho con cái".
Thế nhưng, khi nhắc đến kinh nghiệm đầu tư, bà O. thừa nhận: "Tôi không phải nhà đầu tư. Tôi có biết đầu tư như thế nào đâu. Chỉ là nhà tôi có tiền thì cứ mua đất để trữ, cũng chẳng nghĩ ngợi gì, hay mong nó tăng giá ra sao. Thế nên, có không ít lô đất tôi mua đúng vào thời điểm đỉnh sốt hơn 10 năm trước ở Xuân Mai, Ba Vì, Hoài Đức sau đó tụt dốc không phanh. Tôi từng tưởng cứ chôn vốn mãi nơi này".
Bà O. kể, năm 2009, sốt đất bùng lên mạnh mẽ ở Hà Nội. Bà chỉ nhớ thời đó, nhiều người đi mua đất, đổ xô lên Xuân Mai, Ba Vì, những nơi được quy hoạch là trung tâm Hà Nội mới. Người ta còn mua đất không cần nhìn sổ đỏ, cứ xuống tiền. Thậm chí, những lô đất xung quanh giữa đồng không mông quạnh nhưng vẫn có người mua.
"Tôi mua mảnh 500m2 giá hơn 3 tỷ đồng tại Xuân Mai. Ngoài ra, tôi có vài mảnh nhỏ ở khu vực xung quanh. Nói thật, tôi mua lúc đắt quá. Sau mới biết, giá đất lao dốc. Chẳng có ai hỏi thăm và nhà cũng không có nhu cầu bán. Nên tôi cũng quên, chẳng nhớ. Đến năm 2019, tôi mới thấy có một số môi giới gọi hỏi thăm. Tôi bận nên không để ý. Giữa năm 2021, môi giới khác gọi điện hỏi thăm quá nên tôi mới tính bán".
Bà O. cho biết thêm: "Lô 500m2 là đẹp nhất, xung quanh đã có dân cư, tôi đã bán được nhỉnh 4 tỷ, lời khoảng 30%. Mấy lô đất nhỏ, tôi bán bớt, lãi khoảng 300 triệu đến 1 tỷ đồng so với thời điểm khi mua, lãi tầm 50%".
Bán đất chênh 1 tỷ nhưng vẫn lỗ
Cũng là một trong những nhà đầu tư tay ngang xuống tiền vào đất Ba Vì, năm 2010, ông T.T theo bạn bè về nơi đây đầu tư. Ông T. kể, lúc đó, người ta đồn về đất Ba Vì rất xôn xao. Nhà đầu tư, môi giới đẩy thông tin Khu du lịch quốc gia Ba Vì – Suối Hai đã được Chính phủ định hướng về phát triển du lịch. Năm 2010, khi có ý kiến về việc Trung tâm hành chính Quốc gia sau này sẽ chuyển về Ba Vì càng khiến đất sốt.
"Hôm đó, tôi nhớ đang đi làm thì bạn cơ quan rủ đi xem đất. Xuống tới nơi, tôi mới thấy người ta mua bán tấp nập. Nghĩ chắc bán lời, tôi cũng quyết mua lô đất hơn 1 tỷ đồng theo bạn. Cọc xong rồi mới về kể với gia đình. Vợ tôi gàn lắm nhưng sợ mất cọc nên cũng vay tiền thêm để chồng đủ tiền sang nhượng. Nhưng sau đó, đất Ba Vì dần dần mất giá. Vì mảnh đất này mà vợ tôi nhắc liên tục. Gia đình cũng vì mảnh đất mà thi thoảng cãi nhau".
Theo ông T., năm 2021, nhờ xu hướng "bỏ phố về rừng", lượng nhà đầu tư đổ ra ven đô săn lùng đất. Lô đất mà ông mua ở thời kỳ đỉnh sốt năm 2010 đã được nhanh chóng "chốt" với mức giá gấp đôi.
"May là thời ấy, tôi còn mua đất có sổ đỏ dù chưa hiểu gì về pháp lý hay nên mua đất như thế nào. Bạn tôi mua vài lô đất không sổ đỏ, sau lại bán khó khăn, chật vật. Cắt lỗ mãi mới được". Nói về khoản tiền lời, ông T. chia sẻ thêm: "Nếu để hơn 10 năm, nghĩ khoản lời 1 tỷ đồng tưởng lớn nhưng nếu trừ đi chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí đi lại, chi phí cơ hội, chắc tôi lỗ. Dù sao vẫn may vì nhờ sốt đất trở lại, tôi mới có thể bán nhanh được lô đất. Trước đó, lô đất ở Ba Vì của tôi chẳng ai hỏi mua. Gia đình tôi chán tới nỗi còn xác định: Quên nó đi để đỡ phải tiếc tiền".
Nguyễn Linh