(Tổ Quốc) - Thời gian qua, lãi suất ngân hàng cho vay ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, vì lẽ đó, nhiều người đã tranh thủ vay để mua nhà. Tuy nhiên, gần đây, lãi suất huy động của các ngân hàng đã bắt đầu tăng, nhiều người lo lắng khi hết thời gian ưu đãi.
Lo lắng khi lãi suất mua nhà tăng
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Trước sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, bình quân lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm 2021 chỉ trong khoảng trên dưới 5%/năm, đây được đánh giá là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo đó, nhiều người tranh thủ vay tiền để mua nhà. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các dự báo cho thấy ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, điều này khiến những người đã sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà như “ngồi trên đống lửa”.
Chị Nguyễn Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2021, thấy lãi suất vay mua nhà rẻ chỉ khoảng hơn 5%/năm nên gia đình chị đã quyết định vay để mua một căn hộ gần 2 tỷ đồng tại quận Nam Từ Liêm.
“Gia đình tôi vay đến 60% giá trị căn hộ, khoảng 1,2 tỷ đồng với thời hạn 10 năm. Thực tế lúc mua thì thấy lãi suất chỉ khoảng 5%/năm, nhưng đến khi mua chúng tôi lại được ưu đãi ân hạn đến một năm rưỡi, hết thời gian này lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Hiện nay, đã sắp hết thời gian ân hạn, gia đình tôi sẽ bắt đầu đóng tiền”, chị Quỳnh nói.
Theo chị Quỳnh tính, nếu lãi suất thả nổi thời gian tới tăng cao thì số tiền gốc và lãi của gia đình chị phải chi trả cũng tăng nhiều. “Thời gian đầu có thể lãi suất sẽ chưa tăng nhiều cũng không quá lo lắng, nhưng nếu về lâu lãi suất tiếp tục tăng cao hơn thì sẽ vượt khả năng tài chính của vợ chồng tôi”, chị Quỳnh lo lắng.
Ngay cả những người chưa mua nhà cũng “run tay” vì sợ lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao như trường hợp anh Lê Tài (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có ý định vay ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng, thời hạn 10 năm để mua chung cư với lãi suất năm đầu tiên là 5,5%/năm, sau đó sẽ thả nổi theo thị trường. Anh Tài lo lắng, nếu mức lãi suất giữ ở mức này thì anh đủ khả năng chi trả hàng tháng nhưng sợ thời gian tới lãi suất sẽ tăng.
“Nếu lãi suất thả nổi mà tăng cao thì số tiền phải trả hàng tháng sẽ vượt khả năng thu nhập của gia đình tôi, bởi hiện nay lãi suất huy động cũng đã tăng. Do đó, dù rất ưng căn hộ chung cư đã xem nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa xuống tiền ngay mà cần tính toán thêm”, anh Tài nói.
Thực tế, trong tháng 6/2022, các ngân hàng khác vẫn duy trì mức lãi suất cho vay như cũ. Trong đó, MSB đang là ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất, ghi nhận ở mức 4,99%. Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi này cố định trong 3 tháng đầu. Ngân hàng PVcomBank với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Lãi suất phải trả ở các tháng sau đó là 12%/năm. Theo sau đó là ngân hàng TPBank với lãi suất vay ngân hàng mua nhà từ 5,9%/năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, lãi suất huy động của các ngân hàng đang tăng nhanh, do đó lãi suất cho vay có thể sẽ tăng theo. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với mức cao nhất lên tới 0,8%/năm, cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%/năm.
Ngân hàng Techcombank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 2,75 – 3 %/năm, 3 tháng 3,2 %/năm, 6 tháng là 4,5 %/năm, 12 tháng là 5,3 %/năm… Tương tự, VPBank tăng thêm 0,3% lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4 %/năm. Đối với nhóm ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, lãi suất cũng nhích nhẹ, như BIDV thêm 0,1%/năm từ 12 tháng trở lên, lên 6%/năm. Trước đó, Vietcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động online thêm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn.
Tính toán kỹ khi vay tiền mua nhà
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều dễ đoán.
“Trong năm 2021, do lãi suất tiết kiệm thấp, nên dòng tiền đã chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác, như bất động sản và trái phiếu. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng, khi huy động tiền gửi của người dân”, ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia cho biết, trong tháng 5/2022, tăng trưởng tín dụng đã tăng 8,05%, thế nhưng, tăng trưởng tiền gửi chỉ tăng 4,5%. Điều này chứng tỏ, với mức lãi suất như hiện nay, người dân vẫn chưa muốn gửi tiền vào ngân hàng. Theo đó, từ tháng 4/2022 cho tới nay, các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm, để thu hút dòng tiền từ người dân.
"Đương nhiên, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới. "Lãi suất cho vay tăng là điều đã được dự báo từ trước, nhưng từ nay tới hết năm 2022, lãi suất có thể chỉ tăng thêm 0,5% – 1%, như vậy tác động của nó lên nợ xấu là không lớn", ông Thịnh nhận định.
Vị chuyên gia khuyến cáo, trước khi lựa chọn mua nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ. "Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa, thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại", ông Thịnh nói.
Tuấn Minh