(Tổ Quốc) - Giá cả tăng cao khiến nhiều người thà bỏ việc hay chọn làm từ xa còn hơn đến công ty.
Theo hãng tin CNN, hàng triệu lao động Mỹ đã phải làm việc từ xa khi đại dịch nổ ra vào năm 2020. Thế nhưng khi mọi người trở lại văn phòng thì họ lại được chào đón bằng lạm phát. Từ thức ăn, chi phí đi lại đến mọi thứ đều tăng giá.
Việc giá xăng tăng cùng lạm phát phi mã giờ đây khiến việc đến công ty làm việc trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, trong khi đó dù mức lương có tăng nhưng chẳng theo kịp đà phi mã của giá hàng hóa, dẫn đến nhiều người Mỹ thà bỏ việc hoặc chọn làm từ xa hơn là đến văn phòng.
Dưới đây là 3 chi phí chính khiến người lao động Mỹ chán ghét đến công ty:
1. Tiền ăn
Một trong những lý do chính khiến người lao động muốn trở lại văn phòng là được tương tác với đồng nghiệp cùng thưởng thức cà phê hay bữa trưa cùng nhau. Thế nhưng với giá thức ăn ngoài tăng tới 7,2% trong đầu tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước thì mong ước này đang trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.
Số liệu của Bộ lao động Mỹ cho thấy giá thực phẩm đã tăng tới 9,4% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/1981. Giá các mặt hàng lương thực thiết yếu ngoài siêu thị cũng tăng tới 10,8% vào cuối tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.
Hậu quả là từ cốc cà phê đến đĩa salad đều tăng giá. Thậm chí chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks cũng đã phải tăng giá ở Mỹ đầu năm nay và cảnh báo họ sẽ còn phải nâng tiếp do chi phí nhân công, nguyên liệu đều đi lên.
Tương tự, chuỗi nhà hàng salad Sweetgreen cũng phải nâng giá 10% trong thực đơn kể từ đầu năm 2021.
"Bữa trưa đang ngày càng đắt đỏ hơn khi mọi thứ đều lên giá. Trước đây bạn chỉ cần tốn 7-12 USD cho một bữa trưa thì nay ít nhất sẽ phải mất 15 USD", nhân viên Kelly Yau McClay sống tại Maryland ngán ngẩm.
Vốn là nhân viên marketing cho công ty bất động sản, cô McClay đã làm việc từ xa trong khoảng tháng 4/2020-10/2021. Giờ đây khi phải đi làm lại 3 buổi/tuần, cô McClay phải tốn thêm 35 USD/ngày cho các chi phí ăn trưa, đỗ xe...
Ở một khía cạnh khác, nhiều nhân viên lại cho rằng đến công ty tiết kiệm chi phí hơn. Cô Sara Hill, một nhân viên ngành bảo hiểm tại New York cho biết mình tiêu thụ nhiều đồ ăn hơn khi ở nhà cùng 4 đứa trẻ.
"Tôi ăn nhiều hơn do phải chăm lũ trẻ khiến chi phí thực phẩm hàng tháng tăng lên", cô Hill nói.
Dẫu vậy ngay cả khi đã đi làm trở lại, cô Hill cũng chăm chỉ mang đồ ăn từ nhà đi hơn là ăn ngoài khi giá bữa ăn sáng và trưa lên đến 30 USD/ngày.
"Tôi thường mang đồ ăn từ nhà đi, bất kể đó là đồ ăn thừa hay chỉ là một cốc mỳ chứ chẳng muốn tốn tiền ăn ngoài ở công ty", cô Hill trần tình.
2. Đi lại
Với mức giá xăng đang cao kỷ lục như hiện nay thì việc đi lại đến chỗ làm là một điều cực hình. Số liệu của tổ chức AAA cho thấy mức giá xăng bình quân tại Mỹ vào khoảng 4,6 USD/gallon, cao hơn nhiều so với 2,44 USD/gallon vào tháng 2/2020.
"Tôi lái xe chủ yếu là để đi làm, những thứ khác đa phần đều gần nhà tôi cả", anh Mike Tobin, một nhân viên sống tại bang Florida ngán ngẩm khi phải tốn 75 USD đổ đầy bình, cao hơn nhiều so với 40 USD trước đây.
Với cô Hill, con số này lên đến 110-120 USD để đổ đầy bình do cô dùng xăng xịn hơn và lái xa hơn. Do chi phí nhiên liệu đắt đỏ nên nhân viên bảo hiểm này thường cố gắng làm mọi việc trong ngày để tiết kiệm chi phí đi lại.
"Giá xăng đắt khủng khiếp và mỗi khi tôi đến công ty là sẽ cố làm xong mọi việc. Nếu có thể cố làm thêm cái gì sau giờ làm hay trong bữa trưa thì tôi đều tranh thủ bởi đằng nào cũng đã tốn 1 lần lái xe", cô Hill cho biết.
Với McClay câu chuyện của cô còn ngán ngẩm hơn với chi phí đỗ xe, vốn chỉ khoảng 1 USD/giờ thì nay tăng thêm 50 cent. Bình quân mỗi ngày cô phải tốn 12 USD, cao hơn 8 USD trước đây cho chi phí đỗ xe.
Chưa dừng lại ở đó, nhân viên đi làm phải mua sắm quần áo công sở trong khi giá trời trang đã tăng 5,4% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm trước.
"Giờ đây khi phải đi làm lại, tôi phải mua hàng đống thứ, từ đồ trang điểm, cắt tóc, trang phục...trong khi mọi thứ đều đắt đỏ hơn trước", cô McClay than thở.
3. Học phí
Với những người có gia đình, chi phí trông trẻ và giáo dục tại Mỹ được cho là chiếm phần lớn nhất trong ngân sách của họ. Số liệu của Child Care Aware of America cho thấy trong năm 2020, chi phí trông trẻ và học phí bình quân của các hộ gia đình lên đến 10.174 USD.
Bản thân cô McClay cũng phải tốn 2.150 USD/tháng cho học phí của người con gái 3 tuổi của mình. Thế nhưng chi phí này cũng đã tăng 200 USD từ năm 2020 đến nay.
"Mỗi khi con tôi lên lớp là nhà trường lại thông báo: ‘Xin lỗi, chúng tôi đã tăng học phí’", cô McClay chán nản.
*Nguồn: CNN
Băng Băng