(Tổ Quốc) - Ngày càng nhiều người Mỹ cố gắng kiếm việc làm thêm để kiếm đủ tiền xăng xe cho công việc chính.
Anh Albert Elliott sống tại Fayetteville-Mỹ thường phải đổ xăng liên tục để đi quãng đường gần 100km đến Raleigh, nơi anh làm việc với mức lương 15,75 USD/giờ. Thế nhưng với đà tăng giá xăng cùng lạm phát hiện nay, anh Elliott giờ đây còn chẳng đủ tiền bơm xăng nữa.
Vào tháng 6/2022, giá xăng quá cao đã buộc Elliott phải kiếm thêm một công việc dọn dẹp vệ sinh vào cuối tuần với mức lương 10 USD/giờ để có tiền đổ xăng cho công việc chính.
Mức lương bình quân lao động Mỹ suy giảm nếu tính cả lạm phát
"Giá xăng đang quá cao, đôi khi tôi còn phải vay mượn bạn bè, gia đình để có tiền đi lại. Tôi dần nhận ra công việc chính của mình có khi còn chẳng đủ tiền xăng xe và nỗi lo lớn nhất hiện nay là có phương tiện đi lại để làm việc kiếm tiền", anh Elliott than thở.
Theo tờ Washington Post, câu chuyện của anh Elliott chẳng phải cá biệt. Lạm phát tăng lên mức cao nhất 40 năm vào tháng 6/2022 đã khiến mức tăng lương tại Mỹ chẳng thể theo kịp, qua đó buộc những lao động như anh Elliott phải kiếm thêm việc làm hoặc tìm cách cắt giảm chi tiêu để có thể sống qua ngày.
Chật vật làm thêm
Số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh St.Louis cho thấy tỷ lệ lao động làm thêm việc tại nước này đã tăng từ 4% tháng 4/2020 lên 4,8% tháng 6/2022. Thông thường tỷ lệ này phản ánh một thị trường lao động lành mạnh nơi mọi người đều có cơ hội việc làm thì theo Washington Post, tình hình hiện nay chỉ cho thấy người Mỹ đang gặp áp lực tài chính ngày một lớn và chẳng thể sống chỉ với 1 nguồn thu nhập.
"Tôi có thể nói rằng rất nhiều người Mỹ đang vội vàng tìm thêm nguồn thu nhập từ công việc làm thêm do gặp áp lực từ lạm phát", giám đốc nghiên cứu kinh tế Nick Bunker của Indeed’s Hiring Lab nhận định.
Tờ Washington Post cho biết ngày càng nhiều lao động phải làm thêm công việc thứ 2 cũng như đi làm hơn 70 tiếng mỗi tuần để có đủ tiền sinh hoạt. Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy số người làm 2 việc một lúc đang ở mức 426.000 lao động tính đến tháng 6/2022, cao nhất kể từ lúc thu thập dữ liệu này từ năm 1994 đến nay.
Báo cáo chính thức cho thấy mức lương bình quân theo giờ của người lao động trong tháng 6/2022 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất 10 năm qua. Thế nhưng nếu tính cả yếu tố lạm phát cao nhất 40 năm thì mức lương bình quân theo giờ này lại giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Washington Post, việc tăng trưởng tiền lương hạ nhiệt sau nhiều tháng tăng mạnh có thể là một dấu hiệu cho suy thoái kinh tế.
Hàng loạt các chi phí thiết yếu như lương thực, xăng dầu hay tiền thuê nhà đều tăng phi mã và những người lao động nghèo tại Mỹ đang phải gồng mình sống sót qua ngày. Trái với những người có thu nhập trung bình, lao động nghèo khó có thể cắt giảm thêm chi phí hơn nữa do phần lớn các khoản tiêu tiền đều là thiết yếu.
Khó khăn
Anh Hermes Diaz, một nhà thầu tư nhân ngành xây dựng tại Queens đã buộc phải nhận làm thêm mảng dọn dẹp văn phòng từ tháng 5/2022 do áp lực lạm phát. Bình quân mỗi tuần anh Diaz phải làm 60-90 tiếng mỗi tuần để kiếm thu nhập trả tiền thuê nhà cũng như đóng học phí cho con.
"Tôi chẳng còn mua được nhiều thứ như trước đây. Thậm chí cả quần áo rẻ, thực phẩm như trứng cũng trở nên quá đắt đỏ. Thật buồn cười khi tôi mua ít hơn trước nhưng lại tốn nhiều tiền hơn", anh Diaz cho biết.
Tương tự, cô Anneisha Williams, một bà mẹ đơn thân 37 tuổi tại Los Angeles có mức lương 16,25 USD/giờ tại trung tâm bảo dưỡng nhà đã phải kiếm công việc thứ 2 là thu ngân cho chuỗi đồ ăn nhanh. Áp lực lạm phát đã khiến chủ nhà tăng tiền thuê thêm 130 USD thành 1.730 USD/tháng cho một căn hộ 2 phòng ngủ, chưa kể tiền điện nước, xăng xe. Hiện cô Williams đang phải cố gắng làm thêm giờ càng nhiều càng tốt để có chi phí trang trải cuộc sống cho bản thân cũng và con cái.
Một cuộc khảo sát vào tháng 6/2022 của Quinnipiac cho thấy 52% số lao động Mỹ đang phải cắt giảm chi tiêu vì lạm phát. Thế nhưng trong khi những lao động thu nhập cao có thể cắt giảm chi phí xăng xe bằng cách kiếm những công việc linh động thì điều này lại chẳng dễ dàng với người thu nhập thấp. Phần lớn lao động lương thấp sẽ buộc phải có mặt tại nơi làm việc và khó lòng tiết kiệm được tiền xăng xe.
Số liệu của BLS cho thấy năm 2021, chỉ có 13% lao động tư nhân tại Mỹ làm việc từ xa trong khi 78% hiếm khi hoặc không bao giờ làm ở nhà.
Băng Băng