(Tổ Quốc) - Theo ông Quang, khi khởi nghiệp nếu vội ‘làm đi’ sẽ không bao giờ thắng. Có vấn đề, có cơ hội, bạn cần nhìn ra cách, đó có thể là sản phẩm, có thể là giải pháp để giải quyết câu chuyện đó, và sau khi mình tìm ra được thì mới bắt đầu làm.
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của “thế hệ vàng” du học sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980-1990, Nguyễn Đăng Quang sớm trở thành một những tỷ phú giàu nhất Việt Nam sau này. Vị tỷ phú này vốn là tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và trở về nước nước công tác tại Viện khoa học Việt Nam một thời gian. Ông Quang cũng sở hữu bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.
Dù là nhà khoa học nhưng ông Quang lại có duyên với con đường khởi nghiệp kinh doanh. Sau gần 20 năm khởi nghiệp từ con số 0, hiện Masan Consumer (công ty con của Masan) này nằm trong top 5 công ty F&B lớn nhất Việt Nam về doanh thu trong năm 2020 và nằm trong top 10 thương hiệu có giá trị dẫn đầu Việt Nam theo Forbes 2020.
Theo Euromonitor, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thị phần lớn nhất trong ngành nước mắm với 29,8%, lớn thứ hai trong ngành mì ăn liền với 20,0% - chỉ sau Acecook Việt Nam (chưa niêm yết) và lớn thứ ba trong thị trường nước tăng lực. Ngoài ra, công ty cũng dẫn đầu về mảng cà phê hòa tan (khoảng 40% thị phần) với hai thương hiệu chủ lực là Vinacafe và Wake up.
Bí quyết nào giúp nhà khoa học này liên tục khởi nghiệp thành công? Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo đầu tư cách đây không lâu, Chủ tịch tập đoàn Masan cho biết “khởi nghiệp” là quá trình học tập, không chỉ của doanh nhân, mà cả của tổ chức.
Theo ông Quang, khái niệm khởi nghiệp hiện hơi bị đẩy lên quá, mà thực ra đó là tinh thần kinh doanh. Khái niệm “khởi nghiệp” ở Masan là khi tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, người khởi nghiệp phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro.
“Chữ khởi nghiệp, tôi nghĩ, nó hơi bao gồm một vế là ‘cứ làm đi rồi tính’, nhưng nhiều khi bạn không có lần thứ hai, do vậy, bạn vẫn phải tối đa hóa cơ hội và kiểm soát được rủi ro”, tỷ phú Quang nhận xét.
Theo ông, cần phải tránh cách nghĩ “cứ làm đi rồi tính”, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng mỗi buổi sáng mình khởi nghiệp một lần và cuối giờ mình đóng sổ, xong hôm sau lại khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp là quá trình tạo ra giá trị bằng cách hiểu, ở Masan chúng tôi hay gọi là những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn, hoặc hiểu rõ cái gọi là không hiệu quả”, chủ tịch tập đoàn Masan cắt nghĩa rõ hơn.
Theo ông Quang, bạn chưa thể bắt đầu, nếu bạn chưa hình dung ra được những cách để giải quyết vấn đề đó.
“Bạn nếu vội ‘làm đi’ sẽ không bao giờ thắng. Có vấn đề, có cơ hội, bạn cần nhìn ra cách, đó có thể là sản phẩm, có thể là giải pháp để giải quyết câu chuyện đó, và sau khi mình tìm ra được thì mới bắt đầu làm”, ông phân tích.
Một câu chuyện điển hình cho việc hiểu rõ vấn đề rồi với thực hiện là việc Masan tái cấu trúc WinComerce. Chỉ 1 năm sau khi mua lại cuối năm 2019 từ Vingroup, công ty này đang lỗ 100 triệu USD và có lãi trong 1 năm. Bài học ở đây là hình dung câu chuyện đang là gì, sau đó mới làm một cách quyết liệt.
Trái ngược với quan điểm của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Zing về kinh nghiệm khởi nghiệp, shark Phạm Thanh Hưng lại khuyên người trẻ "cứ làm tới đi".
"Tôi khởi nghiệp năm 30 tuổi, khi không còn trẻ nữa.
Khi làm ở Bộ KH&CN, tôi chuyên về tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý từ nước ngoài để ứng dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó tôi tiếp cận được nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, tiếp xúc các chuyên gia đến từ các nước phát triển. Đó là thời gian thú vị, giúp tôi tích lũy nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, vi mô và vĩ mô. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp cho chính tôi, không phải dễ dàng mà thành công ngay từ ban đầu.
Chia sẻ với các bạn trẻ về khởi nghiệp, tôi thường nhấn mạnh các bạn cứ làm đi, trải nghiệm thực tế lớn hơn tất cả các thứ khác. Quan trọng nhất là hành động. Nghĩ thì rất nhiều người nghĩ, chỉ một số người nói ra, nhưng hành động thì lại vô cùng ít, huống hồ hành động để thành công được càng ít hơn.
Gần như ngày nào tôi cũng nhận được rất nhiều email, tin nhắn, hỏi làm thế nào để khởi nghiệp thành công, tôi chỉ trả lời là phải làm thôi. Các bạn cần phải làm, phải có trách nhiệm với chính bản thân của mình, sống chết với quyết định của mình thì mới thành công được", phó chủ tịch Cengroup cho biết.
Đứng ở vị trí người trẻ mong muốn khởi nghiệp và nhận lời khuyên, rõ ràng quá khó cho họ khi nhận được những lời khuyên có quan điểm trái ngược.
Mộc An