(Tổ Quốc) - Ngày nay, đời sống vật chất đã đạt đến mức nhất định, nhưng sự thỏa mãn mà công việc có thể mang lại đã giảm sút nghiêm trọng trước áp lực cuộc sống. Thậm chí, có người cảm thấy việc vất vả đi làm hết ngày này sang ngày khác, không có lấy một điểm dừng chân nghỉ ngơi là rất khó khăn.
Theo nhận định của thế hệ cũ, tìm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp, nghỉ hưu ở tuổi 50 hoặc 60 là quỹ đạo sống chuẩn nhất trong cuộc đời. Nhưng một số người trẻ ngày nay không nghĩ như vậy. Họ khao khát đạt được tự do tài chính ở độ tuổi 30, nghỉ hưu càng sớm càng tốt, sau đó được tận hưởng một cuộc sống không còn gánh nặng từ công việc và tiền bạc.
Phong cách sống này bắt đầu ở Hoa Kỳ và được gọi là FIRE (Financial Independence, Retire Early), có nghĩa là tự do tài chính và nghỉ hưu sớm. Những người trẻ theo đuổi mục tiêu FIRE sẽ làm mọi cách để tích lũy tài chính, mở rộng nguồn thu của mình càng nhanh càng tốt.
Họ sẽ dự tính trước các khoản lãi kép, lợi tức đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định (từ 30-40 năm), đặt giả thiết mình có một khoản tiền tiết kiệm mục tiêu là bao nhiêu, để đưa ra một con số tài chính giúp họ sống dư dả nửa đời còn lại mà không cần làm việc. Sau đó, thông qua quá trình làm việc không ngừng nghỉ để tăng thu, hạ thấp ham muốn vật chất và sống tối giản để giảm chi, tiến tới đạt được con số tài chính đã vạch ra càng sớm càng tốt.
Sau khi đạt được mục tiêu này, họ sẽ có thể nghỉ việc để tận hưởng cuộc sống thư giãn, thảnh thơi, không còn áp lực. Nói cách khác, đây là quá trình tiết kiệm chi tiêu, nỗ lực đầu tư cho đến khi số tiền rảnh rỗi trong tay đủ để trang trải cho cuộc sống lâu dài.
Để tiết kiệm tiền, một số người đã chuyển từ một thành phố lớn đến sinh sống tại vùng ngoại ô xa xôi hơn, hoặc thậm chí là địa phương khác nhỏ hơn. Một số thì bán chiếc xe tốt để lấy một chiếc xe cũ bình thường, một số từ bỏ việc lái xe để có thể tiết kiệm tiền xăng, chi phí bảo dưỡng hàng năm. Có người quyết tâm bán 80% tủ quần áo đa dạng của mình, chỉ mặc tối giản nhất có thể quanh năm. Có người mỗi ngày chỉ ăn nhiều các loại tinh bột, giảm tối đa lượng thịt, cá, hoa quả để bớt được chi phí ăn uống.
Để gia tăng thu nhập, lại có người tăng ca suốt ngày suốt đêm. Không ít người nhận cùng lúc 1 - 3 công việc part time bên ngoài để gia tăng nguồn thu. Có những người bắt đầu săn tìm mọi cách đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, ký quỹ, kinh doanh…
Họ đều làm tất cả những điều này với hy vọng sớm ngày đạt được tự do tài chính. Thế nhưng, sự tự do mà họ theo đuổi trong tương lai có thực sự quan trọng để đánh đổi cả cuộc sống hiện tại?
Canh Vĩnh Long, giáo sư Khoa Tâm lý của Đại học Tây Nam Trung Quốc, cho rằng: Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên, mọi người cần biết được đáp án của việc chúng ta đang làm việc để sống, hay sống để làm việc?
Đối với hầu hết mọi người trong xã hội hiện đại, áp lực xã hội, gia đình, kinh tế tài chính… khiến con người ta phải tự gồng mình làm việc. Thậm chí, phải chấp nhận cường độ làm việc tăng cao, tăng ca liên tục, đem việc về nhà làm tới tận khuya. Dần dần, cuộc sống cá nhân bị thay thế bởi công việc. Nhiều người bắt đầu trở nên tê liệt, đánh mất bản thân và khả năng kiểm soát.
Vào thời điểm đó, khái niệm “tự do tài chính” dường như giúp mọi người lấy lại cảm giác được kiểm soát. Ví dụ, khi bạn không thích một công việc và muốn nghỉ việc, bạn đã đạt được tự do tài chính trong tay thì không cần ép buộc bản thân phải chịu đựng nữa.
"Tự do" phản ánh khao khát được kiểm soát cuộc sống của mỗi người. Ảnh: flipboard
Giáo sư tâm lý Canh Vĩnh Long cho rằng, "kiểm soát bản thân" là một nhu cầu tâm lý bẩm sinh của con người. Một khi không đạt yêu cầu có thể gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần, gây lo âu, trầm cảm, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Nếu người mất tự chủ có thể lấy lại được cảm giác kiểm soát thì chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện.
Ý định ban đầu của những người trẻ hiện đại chọn cuộc sống FIRE cũng xuất phát từ việc này. Họ không muốn bị gò bó trong những công việc bắt buộc, mà muốn được tự do lựa chọn làm những gì mình thích.
Việc giới trẻ xuất hiện mong muốn nghỉ hưu càng sớm càng tốt cũng liên quan mật thiết đến những thay đổi của xã hội. Ở các thế hệ trước, mọi người chưa hài lòng về đời sống vật chất nên họ chăm chỉ làm lụng cả đời, không hề nghĩ tới việc nghỉ hưu.
Ngày nay, đời sống vật chất đã đạt đến mức nhất định nhưng sự thỏa mãn mà công việc có thể mang lại đã giảm sút nghiêm trọng trước áp lực cuộc sống. Thậm chí, có người cảm thấy việc vất vả đi làm hết ngày này sang ngày khác, không có lấy một điểm dừng chân nghỉ ngơi là rất khó khăn. Đối với họ, thay vì cứ tiếp tục sống những ngày tháng không có hy vọng như vậy, họ thà lên kế hoạch từ sớm, dồn ép bản thân trong một thời gian ngắn để đạt được tự do trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhắc nhở rằng, lối sống này chưa chắc đã phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội ở mọi quốc gia. Khi mà chúng ta đang sống trong thời đại của sự thay đổi, mọi thứ có thể thay đổi theo từng năm, từng tháng, thậm chí là từng ngày. Những mục tiêu đã giả định trước đó đều có khả năng vỡ kế hoạch.
Tương lai thay đổi có thể tăng nguy cơ "vỡ kế hoạch" nghỉ hưu càng sớm càng tốt của mọi người. Ảnh: Sina
Giả sử như, ở 3 năm trước, bạn tin rằng với 3 tỷ đồng trong tay là đủ để bản thân sống an hưởng, tự do nửa đời còn lại. Với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng khoảng 10%, chỉ cần gửi toàn bộ 3 tỷ đồng là bạn đã có 300 triệu đồng/năm, tương đương 25 triệu đồng/tháng để chi tiêu cho cuộc sống mà chẳng cần làm việc.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi người vừa trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số dịch bệnh bùng lên, gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Lãi suất ngân hàng chỉ còn khoảng 4 - 5%. Như vậy, tối đa bạn chỉ còn nhận được 12,5 triệu đồng/tháng từ lãi suất tiết kiệm. Nếu muốn một gia đình sống dư dả với số tiền này là điều không mấy dễ dàng.
Do đó, những người trẻ mong muốn chọn FIRE vẫn cần phải thận trọng. Đó là chưa xét tới những ảnh hưởng về mặt sức khỏe mà họ có thể phải đối mặt trong tương lai.
*Theo Health People
Phương Thuý