(Tổ Quốc) - Lời nói ra không hình không dạng nhưng lại có sự tác động lớn như những vũ khí lợi hại nhất. Những lời nói làm tổn hại người khác chắc chắn cũng không đem lại lợi lộc gì cho bạn.
Thông qua xã giao, trò chuyện, các mối quan hệ được hình thành và phát triển. Qua những cuộc nói chuyện, đôi bên sẽ hiểu nhiều về nhau nhiều hơn, không chỉ ưu điểm mà còn cả khuyết điểm của mỗi người cũng sẽ bộc lộ qua cách trò chuyện, giao tiếp. Lời ăn tiếng nói là căn cứ đầu tiền để người khác đánh giá bản lĩnh của bạn. Đặc biệt trong lần gặp gỡ đầu tiền, hãy tránh 6 kiểu nói chuyện dưới đây để không bị người khác đánh giá thấp:
1. Lời nói quá thẳng thừng
Nói chuyện là một nghệ thuật sống. Trong giao tiếp, tuyệt đối đừng bạ đâu nói đấy, đánh thẳng vào điểm yếu của người khác. Bởi ai cũng có lòng tự trọng và sĩ diện. Bạn nói chuyện tùy tiện, không nghĩ đến hoàn cảnh của người khác rất dễ tạo ra các tình huống ngại ngùng, khiến mọi người đều mất vui.
Người thông minh, khôn ngoan nói chuyện giống như nước chảy tí tách, lời nói khiến đối phương mát lòng, mát dạ như nước suối giữa rừng. Người nói chuyện thẳng thừng, tưởng là bản thân thẳng tính nhưng thực ra lại khiến đối phương khó chịu.
Hai cách nói khác nhau sẽ đem lại hiệu quả giao tiếp khác nhau. Lời nhẹ nhàng luôn dễ lọt tai hơn, dễ dàng chiếm thiện cảm của người khác. Cách nói chuyện không hợp lý, dù lời nói có chân thành, giá trị đến mấy đi nữa thì cũng là vô ích.
2. Lời thị phi
"Thường nói chuyện thị phi, tức là người thị phi". Người thường xuyên đi nói xấu người khác, chút chuyện nhỏ cũng đi rêu rao thành chuyện to, chắc chắn không phải người tốt đẹp gì. Nói xấu về người khác, dù bạn có khéo léo che giấu thế nào thì cuối cùng lời nói cũng truyền đến tai họ.
Người khôn ngoan thực sự, những lúc rảnh rỗi sẽ tìm tòi cái mới, cái hay để học tập, nâng cao bản thân chứ không lãng phí thời gian, sức lực để bàn tán lỗi lầm của người khác.
3. Lời oán trách
Than vãn, oán trách cuộc sống không công bằng là thói quen của rất nhiều người. Thực ra, việc này chỉ là lãng phí thời gian bởi nó chẳng thế giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn khiến những người xung quanh dần xa lánh bạn. Những lời oán trách, than vãn thường kèm theo năng lượng tiêu cực, người thích oán trách, cằn nhằn cũng thường là người ít khả năng chịu áp lực, phấn đấu. Gặp phải chuyện phiền toái là oán trách, không ngừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác, điều đó càng chứng tỏ bản thân bạn là người yếu đuối, bản lĩnh kém.
Bởi vậy, đừng ngốc nghếch mà oán trách nữa. Hãy thử yên lặng để suy ngẫm xem tại sao bạn lại thất bại? Có cách nào để giải quyết vấn đề không? Đó mới là điều bạn cần làm.
4. Lời ngông cuồng
Trong giao tiếp, lời thành thật là lời tốt nhất. Những lời nói thể hiện sự ngông cuồng, tự cao, tự đại là tự ném đá vào chính mình.
Thực tế, có nhiều người vì sĩ diện mà thường nói quá về năng lực của bản thân, vô tình làm lộ khuyết điểm, khiến người khác chán ghét. Đừng cho rằng bản thân mình hơn người, cũng đừng tùy tiện nhận lời làm những chuyện bản thân không đủ khả năng, để đến cuối cùng thất hứa với người khác, làm mất uy tín của chính mình. Không ai muốn gần gũi, thân thiết với một kẻ huênh hoang. Bởi vậy hãy nói lời chân thành, hành động đáng tin cậy, đó mới là biểu hiện của một người có EQ cao.
5. Lời cay nghiệt
Tục ngữ có câu: "Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng". Lời nói cay nghiệt, ác độc có sức sát thương rất lớn. Nó có thể để lại vết thương lòng cho đối phương trong một thời gian dài, chúng ta không thể nào đo lường được sự tổn thương do những lời cay độc gây ra, cũng không cách nào khỏa lấp được vết thương ấy.
Bởi vậy, trong giao tiếp, nhất định phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói. Đừng vì một phút vô ý mà khiến người khác tổn thương. Khi trách mắng người khác không nên quá cạn tình, hà khắc, chừa lại vài phần cho người cũng là giữ lại sự khoan dung độ lượng cho mình.
Xin hãy nhớ kỹ: Mỗi câu bạn nói ra đều là chiếc "danh thiếp" của bạn. Nhiều lời chẳng có ích gì đâu, chỉ lời nói đủ, đúng lúc mới có giá trị.
* Tổng hợp
Hoàng Lan