(Tổ Quốc) - Nguồn cung bất động sản khan hiếm khiến giá tăng cao, đạt mức 20-30%.
Theo các báo cáo thị trường gần đây, nguồn cung bất động sản giảm đã khiến giá tăng mạnh. Một số báo cáo cho rằng mức tăng lên đến 20-30% so với các năm trước. Bên cạnh yếu tố nguồn cung bất động sản khan hiếm, các yếu tố tác động còn có biến động giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công; cùng xung đột Nga và Ukraine, lạm phát.
Cũng theo các phân tích, thời gian qua, giá bất động sản đã tăng vài phần trăm mỗi tháng, chứ không tăng cùng lúc như các năm.Trong một năm, bất động sản tăng giá từ 20-25%. Yếu tố tác động còn có ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.
"Ở một góc độ khác, thị trường bất động sản tăng nhưng tính thanh khoản lại chậm do người có nhu cầu mua ở thực khó có khả năng chi trả. Đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn ở thị trường ở góc độ cung cầu, tính thanh khoản và giá cả", ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho biết với báo chí.
Ông Khương nhận định thêm rằng thị trường sẽ có tín hiệu tích cực hơn nếu các chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết. Hiện các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay với bất động sản.
Với một loạt khó khăn như chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý thì trong 3-5 năm tới, nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm, các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng vệ tinh, lân cận. Bài toán nhà ở sẽ được phân bổ ở các đô thị vệ tinh, tạo nên một bài toán khó cho các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội.
TP HCM làm gì để bổ sung nguồn cung bất động sản?
Mới đây, mục tiêu, quan điểm về Chương trình phát triển nhà ở TP HCM đã được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo Bộ Xây dựng. TP HCM dự báo giai đoạn 2021-2025, dân số thành phố này vào khoảng 10,25 triệu người, cần thêm khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 367.000 căn nhà. Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân toàn năm 2025 lên 23,5m2/người. Trong 5 năm tiếp theo (2026-2030), khi dân số tăng lên 11,29 triệu người, thành phố sẽ xây dựng thêm khoảng 57,5 triệu m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt 26,5m2/người.
Về loại hình nhà ở, trong giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển thêm khoảng 40,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình và khoảng 9,3 triệu m2 chung cư cao tầng. Trong 5 năm tiếp theo xây dựng thêm 44,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình và khoảng 12,8 triệu m2 chung cư cao tầng.
Theo Sở Xây dựng, nguồn lực để thực hiện các dự án nhà ở trong Chiến lược phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 rất lớn, khoảng 1,52 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại giai đoạn 2021-2025 khoảng 239.750 tỷ đồng; nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân 289.530 tỷ đồng; nhà ở xã hội 37.700 tỷ đồng. Tương tự, vốn cho các loại hình nhà ở này trong giai đoạn 2026-2030 lần lượt 464.400 tỷ đồng, 406.100 tỷ đồng và 86.400 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến dành 12.410 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Về quỹ đất cho phát triển nhà ở, dự báo tổng nhu cầu diện tích đất phát triển nhà ở của TP 10 năm tới khoảng 5.239ha, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại 4.788ha, nhà ở xã hội 451ha.
Để xây dựng hàng trăm triệu mét vuông nhà ở trong 10 năm tới, TP HCM định hướng đẩy mạnh phát triển nhà chung cư tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực các ga metro để tận dụng hạ tầng, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp. Phát triển đa dạng về hình thức thanh toán như thuê, thuê mua, mua, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp, giá rẻ.
Tại khu vực trung tâm và nội thành hiện hữu, TP HCM tập trung phát triển nhà ở chung cư cao tầng, phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô của dự án, đảm bảo không quá tải lên hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, thành phố phát triển hạ tầng ở khu vực ngoại thành để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở giá rẻ có hạ tầng đồng bộ, phục vụ người lao động định cư.
HA