(Tổ Quốc) - Hiện có rất nhiều quốc gia khác đã dừng xuất khẩu lương thực thực phẩm.
Ấn Độ vừa trở thành quốc gia đầu tiên cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Nga-Ukraine đẩy giá một loạt các lương thực thực phẩm trên toàn cầu.
Quyết định trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi lo lắng, bởi đa số các nước nhập khẩu hiện nay đều tin tưởng Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, trong việc đảm bảo nguồn cung hậu xung đột Nga-Ukraine. Họ sợ rằng lệnh cấm này sẽ sớm đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng rất nhiều đến những người tiêu dùng thu nhập thấp tại châu Á và châu Phi.
"Lệnh cấm này thực sự gây sốc. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu sau 2 hoặc 3 tháng nữa cơ, nhưng có lẽ lạm phát đã khiến chính phủ thay đổi ý định", đại diện một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, Nga và Ukraine nằm trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, 2 quốc gia này cũng nằm trong số 5 nhà xuất khẩu lớn đối với nhiều loại ngũ cốc và hạt cho dầu, chẳng hạn như lúa mạch, hoa hướng dương, dầu hướng dương và ngô. Chính vì vậy, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine khiến cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu thêm trầm trọng.
Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì
“Cùng với đà tăng cao của giá lương thực do gián đoạn chuỗi cung ứng và điều kiện thời tiết cực đoan, căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra vào đúng thời điểm thị trường toàn cầu đang tồi tệ nhất’’, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) cho biết.
Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington DC cũng lưu ý thêm rằng cuộc chiến Nga-Ukraine đã “gây ra những tổn thất đáng kinh ngạc cho khu vực’’ sau khi Nga hạn chế hoạt động xuất khẩu phân bón quan trọng. “Bệ đỡ Ukraine của châu Phi và Trung Đông dường như bị phá hủy’’, đại diện Viện nghiên cứu cho biết.
Cùng với Ấn Độ, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia cũng đã quyết định cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung trong nước.
“Nếu chiến tranh xảy ra, nhiều khả năng tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với ngũ cốc và dầu thực vật. Nhiều quốc gia sẽ phải chuyển sang hạn chế thương mại”, nhà phân tích Joseph Glauber, David Laborde và Abdullah Mamun của IFPRI thừa nhận.
Chính vì vậy, hồi cuối tuần qua, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nạn đói trên toàn cầu do hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, theo Financial Times.
Bắt đầu từ ngày 28/4, Indonesia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ
Theo CNBC, Ấn Độ không hề đơn độc. Rất nhiều quốc gia khác đã dừng xuất khẩu lương thực thực phẩm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế phát triển.
Cụ thể, hồi đầu tháng 3, chính phủ Ai Cập đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu ăn, ngô và tất cả các loại lúa mì trong 3 tháng nhằm đảm bảo nhu cầu hàng hóa cơ bản của người dân. Các nước châu Âu như Serbia, Hungary và Ruman cũng đưa ra biện pháp tương tự để tăng dự trữ trong nước.
Do nhập khẩu tới 80% lượng lúa mì từ Nga và Ukraine, nguồn cung Ai Cập bị hạn chế rất nhiều. Nước này theo đó phải tìm kiếm ngũ cốc ở 14 thị trường thay thế, bao gồm Mỹ, Argentina, Canada và Paraguay.
Argentina, một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ đỗ tương lớn nhất thế giới cũng đã quyết định tạm dừng xuất khẩu bột và dầu làm từ đỗ tương, trong bối cảnh giá các mặt hàng trên đang leo thang trên thị trường quốc tế.
Động thái trên được cho là một trong những dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này sắp có sự điều chỉnh đối với thuế xuất khẩu đỗ tương, cụ thể là tăng từ 31% lên 33%.
Argentina quyết định tạm dừng xuất khẩu bột và dầu làm từ đỗ tương
Bắt đầu từ ngày 28/4, Indonesia cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ăn và vật giá leo thang. Trong quyết định cuối cùng đưa ra tối 27/4, chính phủ Indonesia khẳng định lệnh cấm sẽ áp dụng với toàn bộ những loại hạt có dầu, chứ không chỉ riêng dầu ăn như tuyên bố trước đó.
Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, lệnh cấm trên sẽ tác động tiêu cực đến năng suất thu hoạch của nông dân trong ngắn hạn, song sẽ giúp ưu tiên đảm bảo nguồn cung trong nước. Lệnh cấm sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi Indonesia thực sự giải quyết được vấn đề thiếu hụt của chính mình.
Dẫu vậy, từ nay cho tới lúc đó, động thái hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia có thể khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn sau khi hàng trăm sản phẩm tiêu dùng buộc phải đẩy giá bán.
"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại về lương thực thực phẩm phình to", ông Carlos Mera, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank cảnh báo.
Ước tính giá nông sản sẽ tăng gần 20% trong năm 2022 trước khi được điều chỉnh trong những năm tiếp theo. Trong đó, giá lúa mì, tâm điểm của các biện pháp bảo hộ, dự kiến sẽ tăng hơn 40% lên mức kỷ lục mới.
Lúa mì được chở tới bán tại một chợ ngoại ô Ấn Độ
Điều này khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc ông Antonio Guterres mới đây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói kéo dài nếu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu không được giải quyết. Ông cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã trở nên tồi tệ do tình trạng Trái Đất nóng lên và đại dịch.
Cụ thể, chỉ trong hai năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Hơn 500.000 người cũng đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.
Theo: CNBC, Bloomberg
Vũ Anh